Bảo đảm tính khả thi, tránh vướng mắc khi triển khai trên thực tế

Thứ năm - 02/11/2023 22:37
Sáng 3.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Sáu, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

 

Bảo đảm tính khả thi, tránh vướng mắc khi triển khai trên thực tế -0

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chất lượng dự thảo Luật từng bước được nâng lên

Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và của Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, rà soát, tiếp thu ý kiến các cơ quan, tổ chức, chuyên gia; qua đó, chất lượng dự thảo Luật đã từng bước được nâng lên.

Về điều kiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng liên quan (khoản 3 Điều 80 và khoản 5 Điều 87), theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định tại khoản 3 Điều 80 về “đã hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư” khả thi hơn trên thực tế.

Bảo đảm tính khả thi, tránh vướng mắc khi triển khai trên thực tế -0

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Ảnh: Hồ Long

Tiếp thu các ý kiến và trên cơ sở Báo cáo số 598/BC-CP, dự thảo Luật đã bổ sung về một trong những trường hợp đáp ứng điều kiện đã hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư để ban hành quyết định thu hồi đất là sau khi “người có đất bị thu hồi tự nguyện bàn giao đất cho Nhà nước và đã được bố trí tạm cư hoặc được chi trả kinh phí tạm cư” (khoản 5 Điều 87) nhằm khuyến khích người dân tự nguyện bàn giao diện tích đất bị thu hồi, góp phần đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cũng là góp phần giúp dự án đầu tư sớm được triển khai trên thực tế mà vẫn bảo đảm yêu cầu hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Bảo đảm tính khả thi, tránh vướng mắc khi triển khai trên thực tế -0

Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Liên quan đến các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần và hằng năm (khoản 2 Điều 121), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định theo hướng kinh doanh bất động sản như cho thuê văn phòng là trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần, phù hợp với tính chất của sản phẩm kinh doanh gắn liền với quyền sử dụng đất và để bảo vệ quyền lợi của bên mua bất động sản thường là bên yếu thế về thông tin trong quan hệ mua bán sản phẩm bất động sản, nếu thuộc trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm thì trường hợp người bán không tiếp tục nộp tiền thuê sẽ gây rủi ro cho người mua. Chính phủ cũng đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 598/BC-CP.

Tiếp thu các ý kiến, dự thảo Luật bổ sung tương ứng tại điểm b khoản 1 Điều 121 về trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần.

Đánh giá tác động kỹ lưỡng để thiết kế phương án phù hợp

Đối với các nội dung còn ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, về phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng (Điều 159) có 2 phương án. Trong đó, phương án 1: Quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất nhưng giao Chính phủ quy định trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp. Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 598/BC-CP. Phương án 2: Quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp.

Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 2 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

Bảo đảm tính khả thi, tránh vướng mắc khi triển khai trên thực tế -0

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Về thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ (khoản 27 Điều 79, điểm b khoản 1 Điều 126, điểm a khoản 1 Điều 127, khoản 1 và khoản 6 Điều 128), một số ý kiến đề nghị quy định rõ dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ là một trong các trường hợp thu hồi đất; HĐND cấp tỉnh quy định các tiêu chí để quyết định các dự án loại này thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; còn lại là các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất.

Về nội dung này, dự thảo Luật thiết kế 2 phương án. Theo đó, Phương án 1: Tiếp thu các ý kiến và trên cơ sở Báo cáo số 598/BC-CP, dự thảo Luật đã chỉnh sửa tương ứng tại khoản 27 Điều 79, khoản 1 Điều 126 và khoản 1 Điều 127. Theo đó, dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất.

Tuy nhiên, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất chỉ là hình thức Nhà nước giao đất, cho thuê đất, không phải tiêu chí, điều kiện để thu hồi đất, chưa phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Phương án 2: Tiếp thu các ý kiến theo hướng quy định dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ gắn với tiêu chí, điều kiện cụ thể thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội về nội dung này. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động để tiếp thu, thiết kế phương án phù hợp tại Luật hoặc giải trình thuyết phục nếu không thể tiếp thu.

Bên cạnh đó, quy định giao HĐND cấp tỉnh quyết định dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án là nội dung mới đối với HĐND cấp tỉnh, có thể có độ trễ trong việc triển khai thực hiện trên thực tế trong thời kỳ đầu thực hiện quy định khi HĐND cấp tỉnh chưa kịp ban hành tiêu chí, điều kiện để có cơ sở xem xét, quyết định trong từng trường hợp cụ thể.

Vì vậy, đề nghị nghiên cứu có tiêu chí cụ thể tại Luật để làm cơ sở giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định. Chính phủ thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật để có cách hiểu thống nhất, tránh rủi ro trong quá trình tổ chức thực hiện và có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của quy định này, tránh vướng mắc khi triển khai trên thực tế.

Nguồn tin: daibieunhandan.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây