- Một phiên livestream bán hơn 2.000 cuốn... 09:18 | 01/04/2024
- Thành phố Thủ Đức sẽ có đường sách từ... 10:55 | 18/12/2023
- Báo chí số là gì và các lợi ích? 10:50 | 18/12/2023
Chiều ngày 8/11, tại trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chủ trì buổi lễ công bố các quyết định kiện toàn, tổ chức lại báo điện tử Dân trí và báo Lao động và Xã hội thành báo Dân trí.
Tạo ra một cơ quan báo chí hiện đại, chuyên sâu về lĩnh vực LĐTB&XH
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trao: Quyết định số 1671/QĐ-LĐTBXH ngày 31/10/2023 về việc tổ chức lại báo điện tử Dân trí và báo Lao động và Xã hội thành báo Dân trí kể từ ngày 1/11/2023; Quyết định số 1672/QĐ-LĐTBXH ngày 31/10/2023 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của báo Dân trí; các quyết định bổ nhiệm Tổng biên tập, các Phó Tổng biên tập báo Dân trí sau khi tổ chức lại.
Theo đó, báo Dân trí có Tổng Biên tập là ông Phạm Tuấn Anh, các Phó Tổng Biên tập là ông Nguyễn Xuân Toàn, bà Nguyễn Thu Hằng và bà Nguyễn Thúy Hằng.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; Kế hoạch số 1738/KH-BTTTT ngày 4/6/2019 của Bộ TT&TT triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Ban cán sự Đảng Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ sắp xếp lại các cơ quan thuộc Bộ hoàn thành trước 02 năm so với quy định tại Điểm c Khoản 1 Mục III Điều 1 Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ: “Bộ, cơ quan ngang bộ có 1 cơ quan báo và 1 cơ quan tạp chí. Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ nếu tiếp nhận thêm cơ quan báo thuộc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương, các doanh nghiệp thì được tối đa 2 cơ quan báo nhưng chậm nhất đến năm 2025 phải hoàn thành việc sắp xếp (còn 1 cơ quan báo)”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc kiện toàn, tổ chức lại báo điện tử Dân trí và báo Lao động và Xã hội thành báo Dân trí là quyết định quan trọng, nhằm tạo ra một cơ quan báo chí tổng hợp, hiện đại, chuyên sâu về lĩnh vực LĐTB&XH.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu báo Dân trí sau khi sáp nhập cần tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, nâng cao chất lượng nội dung, bám sát thực tiễn, phản ánh trung thực, khách quan các vấn đề liên quan đến lĩnh vực lao động, người có công và an sinh xã hội; đồng thời, đổi mới phương thức hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động báo chí của Bộ LĐTB&XH.
Thay mặt Ban Biên tập báo Dân trí, Tổng biên tập Phạm Tuấn Anh khẳng định, báo Dân trí sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của hai cơ quan báo chí tiền thân, đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là cơ quan báo chí của Bộ LĐTB&XH.
Báo Dân trí có một cơ hội và trách nhiệm rất lớn
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm chúc mừng lãnh đạo và tập thể báo Dân trí. Thứ trưởng nêu rõ, có được thành quả này là do quá trình bề dày hoạt động cũng như sự năng động của các cơ quan báo chí và các thương hiệu vốn có của mình.
“Làm được việc này là do sự quyết tâm rất cao của Ban cán sự Đảng Bộ LĐTB&XH mà trực tiếp là của đồng chí Bộ trưởng. Từ góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, chúng tôi đánh giá đây là giải pháp vừa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại vừa tiếp thu được truyền thống 30 năm của báo Lao động và Xã hội, gần 30 năm của tạp chí Gia đình và Trẻ em và với lịch sử hoạt động non trẻ hơn nhưng rất nhiều thành tựu của báo điện tử Dân trí trước đây”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, thời gian vừa qua, quá trình hoạt động đã cho thấy sự hội nhập là thành công và sau đó là quyết định rất mạnh dạn của lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cho cơ hội này, cho một cơ quan báo chí với tên là báo Dân trí.
“Đây là cái tên mà độc giả, đặc biệt là trên không gian mạng đã quen thuộc, đã định vị và tìm đến báo Dân trí để đọc. Ngày nay với thế mạnh ấy nhưng với sứ mệnh hoàn toàn khác, tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ hoàn toàn khác. Cơ hội trao cho báo Dân trí là rất lớn nhưng trách nhiệm cũng vô cùng nặng nề”.
Với sứ mệnh và với chức năng mới được giao, báo Dân trí có một cơ hội và trách nhiệm rất lớn để thực hiện khát vọng từ lâu đời của đất nước, của các nhà cách mạng tiền bối đã nói đó là “Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh”.
Báo Dân trí cần thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Bộ LĐTB&XH, giải quyết các vấn đề chăm sóc các đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, người thương binh, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đối tượng trẻ em…
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, “giải quyết vấn đề dân sinh bằng cách không chỉ mang lại thông tin mà mang lại cả tri thức để nâng cao dân trí. Không gì tốt bằng việc mang lại tri thức thông qua hoạt động báo chí, để bạn đọc và người dân được thụ hưởng, được chăm sóc”.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm kỳ vọng báo Dân trí đoàn kết, kế thừa và phát huy những truyền thống của những tờ báo đã lâu năm của Bộ LĐTB&XH đưa lên không gian mới. Thế hệ mới của báo Dân trí phải viết lên câu chuyện riêng thế hệ của mình để thêm vào trang sử mới dưới mái nhà chung của Bộ LĐTB&XH.
“Báo Dân trí cần có một quyết tâm để làm sao thông tin phải đi kèm với việc mang lại tri thức, và trao quyền lực cho người dân, cho độc giả của mình để họ sống tốt trong đời sống hiện nay và nắm những cơ hội mà họ xứng đáng được thụ hưởng”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh./.
Báo Dân trí là cơ quan báo chí của Bộ LĐTB&XH, hiện có các ấn phẩm: Báo điện tử Dân trí, chuyên trang Dân sinh của báo điện tử Dân trí, báo in Lao động và Xã hội, ấn phẩm Vì Trẻ em.
Sau khi tổ chức lại, báo Dân trí có Tổng Biên tập và 3 Phó Tổng biên tập. Trên cơ sở tổ chức lại 17 đơn vị trực thuộc 2 đơn vị trước đây, cơ cấu tổ chức của báo Dân trí gồm 13 đơn vị trực thuộc (gồm 1 văn phòng, 10 ban và 2 văn phòng đại diện)./.
Nguồn tin: ictvietnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn