Bịt kẽ hở trong liên kết xuất bản

Thứ ba - 24/10/2023 23:17
Bên cạnh những mặt tích cực của liên kết xuất bản, chủ trương này đã có những kẽ hở, lâu ngày dẫn đến biến tướng, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển bền vững của ngành xuất bản. Trong khi các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu để có những giải pháp căn cơ về mặt thể chế, chính sách, tự thân các nhà xuất bản (NXB) cũng cần có bản lĩnh nói “không” với những đối tác thiếu uy tín.

Biến tướng chủ trương đúng đắn

Mô hình liên kết xuất bản ra đời từ chủ trương xã hội hóa ngành xuất bản được nêu ra lần đầu tiên tại Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX ngày 25-8-2004 về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, sau đó được cụ thể hóa ở Luật Xuất bản năm 2004. Từ đây, nhiều đơn vị làm sách tư nhân được thành lập, tích cực tham gia vào quy trình xuất bản.

Sự năng động của các đối tác liên kết đã thổi một luồng gió mới vào đời sống xuất bản. Nếu năm 2004, cả nước mới xuất bản được khoảng 24.000 đầu sách với 250 triệu bản sách thì đến năm 2022, toàn ngành đã xuất bản được hơn 32.000 đầu sách với 530 triệu bản sách. Như vậy, sau gần 20 năm, quy mô xuất bản đã tăng gấp hơn hai lần, đưa mức bình quân sách/người/năm từ 2,1 bản năm 2004 lên 5,3 bản năm 2023, tiệm cận chỉ tiêu nêu trong Chỉ thị số 42-CT/TW: 6 bản sách/người/năm. Nhiều cuốn sách giá trị về nội dung, có sức lan tỏa rộng khắp như: “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Muôn kiếp nhân sinh”, “Lược sử loài người”... là do đối tác liên kết khai thác bản thảo.

Tuy nhiên, mô hình liên kết xuất bản còn nhiều lỗ hổng, tạo ra hai hệ lụy chính vẫn chưa được khắc phục. Hệ lụy đầu tiên là các vi phạm về mặt nội dung, đáng chú ý như: Nội dung không chuẩn xác về mốc thời gian và sự kiện lịch sử; đề cập những vấn đề nhạy cảm về chính trị, tư tưởng trái với quan điểm của Đảng và Nhà nước, phủ nhận thành tựu cách mạng, không phù hợp với thuần phong mỹ tục... Tính từ năm 2013 đến nay đã có 860 xuất bản phẩm vi phạm quy định, bị xử lý dưới các hình thức khác nhau. Số lượng xuất bản phẩm vi phạm so với tổng số đầu sách được phát hành là không nhiều, đồng thời giảm mạnh những năm gần đây nhưng không có nghĩa hệ lụy này không còn.

Bịt kẽ hở trong liên kết xuất bản

 Nhà xuất bản Trẻ tổ chức ra mắt tác phẩm “Mùa hè không tên” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tháng 9-2023. Ảnh: HỒ LAM

Điều nguy hại hơn cả là mô hình liên kết xuất bản không làm các NXB mạnh lên, mà thậm chí còn yếu đi, sai lệch chủ trương đúng đắn ban đầu. Hiện nay, 100% NXB có thực hiện việc liên kết xuất bản, trong đó 32/57 NXB có tỷ lệ liên kết cao (hơn 70% tổng số xuất bản phẩm của NXB). Mấu chốt là nhiều NXB có tỷ lệ xuất bản phẩm liên kết cao thì lợi nhuận thu về lại không cao. Nguyên nhân là do NXB không tự tổ chức được bản thảo, phụ thuộc vào đối tác liên kết. Đối tác liên kết ép giá, các NXB cạnh tranh nhau nên có lúc chỉ còn trên dưới 1 triệu đồng cho một tờ giấy phép. NXB đã trở thành nơi bán giấy phép, nhiều khi nội dung để đối tác thao túng, sai phạm cũng từ đây mà ra.

Nâng tầm nội lực các nhà xuất bản

 Để tránh nguy cơ NXB cứ yếu dần đi, theo kiến nghị của lãnh đạo các NXB, cần có quy định về mức sàn các loại chi phí trong liên kết xuất bản phẩm. Nhiều người cho rằng như vậy là đi ngược lại quy luật kinh tế thị trường, song nếu nhìn vào chính sách của một số nước phát triển có những quy định về liên quan đến giá, phí xuất bản thì chính sách điều chỉnh của Nhà nước là hợp lý.

Cũng có ý kiến cho rằng, các đơn vị làm sách cần phải chịu trách nhiệm tương tự như các NXB nếu có ấn phẩm sai phạm. Điều này ngăn chặn nguy cơ “tư nhân hóa” ngành xuất bản, bởi hiện nay, một số công ty sách có đầy đủ bộ phận để thực hiện quy trình xuất bản (thậm chí có công ty còn sở hữu nhà in riêng) một cách hiện đại, chuyên nghiệp.

Để các NXB mạnh lên, trước tiên cần tới sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý của cơ quan chủ quản. Quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước rất rõ ràng: Cơ quan chủ quản không thể đứng ngoài phó mặc số phận NXB. Trước đây, một số NXB làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả, có nhiều xuất bản phẩm vi phạm... đã bị đơn vị chủ quản như Thành ủy TP Hồ Chí Minh; UBND tỉnh Cà Mau; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải thể, sáp nhập dứt khoát, được dư luận hoan nghênh. Hiện nay, nhiều cơ quan chủ quản đang triển khai các giải pháp hỗ trợ NXB kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, tăng cường hiệu quả trong liên doanh, liên kết. NXB Tài chính được phê duyệt 1,6 tỷ đồng để xây dựng “Tủ sách lịch sử truyền thống ngành tài chính trên mạng internet”; NXB Phụ nữ được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giao là chủ đầu tư dự án Trung tâm Tri thức số và Giáo dục giới dành cho phụ nữ, gia đình và trẻ em với tổng mức đầu tư là 35,3 tỷ đồng.

Điều cốt lõi là tự thân NXB phải có đội ngũ chất lượng, khai thác bản thảo tốt để không phụ thuộc đối tác liên kết. NXB Trẻ, NXB Phụ nữ... từ lâu đã có chiến lược đầu tư xuất bản theo “Kế hoạch A” (NXB đầu tư vốn thực hiện, không liên kết). Đáng chú ý, các đầu sách bán chạy, mang lại lợi nhuận cao đều nằm trong sách “Kế hoạch A” nên họ thường chọn lọc xuất bản phẩm để liên kết, chú trọng vào chất lượng nội dung. Có được điều này cần một quá trình lâu dài từ việc kết nối tác giả-dịch giả, nắm bắt nhu cầu thị trường, năng động đàm phán bản quyền, sáng tạo về hình thức, đa dạng hóa xuất bản phẩm (sách nói, sách điện tử), tiếp thị sản phẩm... Điển hình như NXB Trẻ với việc ký độc quyền xuất bản với hàng chục tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, mang lại uy tín, lợi nhuận lâu dài.

Ông Lê Thanh Hà, Tổng biên tập NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh nêu kinh nghiệm, trong việc liên kết xuất bản, NXB cần phải ở thế chủ động trong đàm phán giá để hai bên cùng chấp nhận được trong hợp tác. NXB cần khai thác hết các thế mạnh, tìm ra cách quản trị hiệu quả, phải có đội ngũ nhân lực chất lượng, làm tốt các quy trình xuất bản... như vậy mới có thể khiến đối tác liên kết tin tưởng, từ đó thương lượng với các đối tác một cách sòng phẳng.

Bản chất của liên kết xuất bản là hình thức hợp tác công-tư cho nên “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” cần xem là kim chỉ nam, có như vậy, ngành xuất bản mới phát triển, sớm trở thành một mũi nhọn của ngành công nghiệp văn hóa.

Nguồn tin: www.qdnd.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây