- Một phiên livestream bán hơn 2.000 cuốn... 09:18 | 01/04/2024
- Thành phố Thủ Đức sẽ có đường sách từ... 10:55 | 18/12/2023
- Báo chí số là gì và các lợi ích? 10:50 | 18/12/2023
Đổi tên chỉ là “bình mới, rượu cũ”
Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi một cách toàn diện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nhằm khắc phục những vướng mắc bất cập qua 8 năm thi hành luật; đồng thời thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN và những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp về cải cách tư pháp đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu là về tổ chức Toà án nhân dân. Theo đó, tại Khoản 1, Điều 4 dự thảo Luật quy định Tổ chức của Tòa án nhân dân bao gồm: tòa án nhân dân tối cao, tòa án nhân dân cấp cao, tòa án nhân dân phúc thẩm; tòa án nhân dân sơ thẩm, tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt và toà án quân sự. Như vậy, tòa án nhân dân cấp huyện được thay bằng tòa án nhân dân sơ thẩm, tòa án nhân dân cấp tỉnh được thay bằng tòa án nhân dân phúc thẩm. Qua tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao, sự thay đổi này nhằm mục đích bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu bày tỏ không đồng tình với việc đổi tên tòa án nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh, bởi, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định cụ thể tại các điều luật vẫn không khác gì nhiều so với luật hiện hành, sự thay đổi này chỉ là “bình mới, rượu cũ”.
ĐBQH Đỗ Văn Yên (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc thay đổi tên gọi nhưng không đi kèm với sự thay đổi nào về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống tòa án để đáp ứng với chủ trương của Đảng như trong Nghị quyết số 27/NQ-TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới là chưa đồng bộ. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng nội dung này và có lộ trình thay đổi cho phù hợp.
Cho rằng quy định này khắc phục được tình trạng nhận thức tòa án là một cơ quan hành chính thuộc địa phương, gây khó khăn cho việc xử lý, giải quyết các vấn đề về tổ chức và hoạt động của tòa án, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án, tuy nhiên, ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) lưu ý, nếu chỉ dừng lại ở việc đổi tên thì số lượng các tòa án vẫn gắn liền với địa giới hành chính. Mặt khác, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tòa án này không thay đổi thì vẫn chưa thể hiện được đặc thù của mô hình tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh một cách toàn diện, phù hợp với định hướng phát triển lâu dài.
Quy định về nhiệm kỳ của thẩm phán là chưa phù hợp
Về vấn đề sửa đổi quy định liên quan đến nhiệm kỳ của thẩm phán, ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) nêu rõ, Điều 100 dự thảo Luật quy định: Thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 5 năm; Thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. Đại biểu cho rằng, thẩm phán là một chức danh nghề nghiệp chuyên môn cũng giống như bác sĩ, sĩ quan, không giống như chức danh lãnh đạo, nên việc quy định nhiệm kỳ là không phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế.
Đại biểu Lương Văn Hùng cũng cho biết, việc sửa đổi quy định về nhiệm kỳ thẩm phán góp phần giảm bớt thủ tục xem xét, bổ nhiệm lại thẩm phán và khắc phục tình trạng án tồn đọng khi thiếu thẩm phán do một số thẩm phán hết nhiệm kỳ không được tham gia xét xử, quy trình tái bổ nhiệm kéo dài, gây lãng phí nguồn lực của tòa án. Trong trường hợp thẩm phán có vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, thẩm phán có thể bị bãi nhiệm. Hiện nay, quy định ràng buộc trách nhiệm của thẩm phán đã tương đối đầy đủ, chặt chẽ, pháp luật cũng đã đặt ra cơ sở để xử lý, kỷ luật, xử lý hình sự, bãi nhiệm thẩm phán nếu có vi phạm.
Cũng nêu ý kiến về nội dung này, Đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng, các quy định về nhiệm kỳ của thẩm phán như dự thảo Luật còn chưa phù hợp. Do các cơ chế về miễn nhiệm, bãi nhiệm thẩm phán chưa thật sự chặt chẽ, rõ ràng nên mỗi khi tiến hành bổ nhiệm lại là một lần có thể đánh giá kỹ càng các thẩm phán trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và có phương án xem xét, bố trí sắp xếp phù hợp nếu không đủ điều kiện làm thẩm phán; hạn chế những thẩm phán có tư tưởng an phận làm việc cầm chừng khi được giữ ngạch thẩm phán trọn đời đến lúc nghỉ hưu.
Ngoài ra, một trong những tiêu chí về tiêu chuẩn bổ nhiệm thư ký tòa án quy định tại Điều 117 dự thảo Luật là người “được đào tạo nghiệp vụ thư ký tòa án”. Đại biểu Trần Thị Thu Hằng nêu thực tế, hiện nay có rất nhiều trường đại học đào tạo chuyên ngành luật nhưng chỉ có duy nhất Học viện Tòa án có đào tạo nghiệp vụ thư ký tòa án. Vậy điều kiện bổ nhiệm này có công bằng với các đối tượng được đào tạo ở trường đại học khác có nguyện vọng tham gia tuyển dụng công chức ngành tòa án hay không? Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng để quy định cho phù hợp.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, các ĐBQH đều thể hiện sự nhất trí cao về sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, đồng thời góp ý nhiều vấn đề cụ thể, thẳng thắn, tâm huyết, phân tích đánh giá sâu sắc để đề xuất phương án chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung của dự thảo Luật. Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đầy đủ ý kiến của các ĐBQH; giao Thường trực Ủy ban Tư pháp phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để cho ý kiến vào dự án Luật này trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp sau.
Nguồn tin: daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn