- Một phiên livestream bán hơn 2.000 cuốn... 09:18 | 01/04/2024
- Thành phố Thủ Đức sẽ có đường sách từ... 10:55 | 18/12/2023
- Báo chí số là gì và các lợi ích? 10:50 | 18/12/2023
Làm rõ nguyên nhân tăng mạnh số vụ việc, đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến cơ quan hành chính nhà nước
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2023, số lượng đơn thư, vụ việc của công dân đến khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan nhà nước tăng mạnh. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Những kết quả tích cực đạt được trong công tác này đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Ghi nhận kết quả này, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nêu thực tế, năm 2023, số lượng công dân đến các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội tăng 2.040 lượt người và tăng 1.615 vụ việc, tăng 102 lượt đoàn đông người so với năm 2022. Số lượng công dân đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị tăng 37,7%, tăng 33,3% số vụ việc và tăng 27,2% so với năm trước. Trong năm có 882 khiếu nại đúng, chiếm 7,5%; có 1.139 khiếu nại có đúng, có sai, chiếm 9,7%; số vụ việc công nhận kết quả giải quyết lần đầu là 1.844, chiếm 82,6%; số vụ việc phải sửa quyết định giải quyết lần đầu là 389 vụ, chiếm 17,4%.
Đại biểu đề nghị, báo cáo của Chính phủ cần đánh giá, làm rõ đặc điểm tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023, trong đó cần xác định rõ nguyên nhân của việc tăng mạnh số lượt, số người, số vụ và số đoàn đông người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị. Trong đó có việc gia tăng số lượng các đoàn đông người đến trụ sở tiếp công dân của các bộ, ngành ở Trung ương. Đại biểu cũng đề nghị, bổ sung đánh giá thực trạng và nguyên nhân của quá trình khiếu nại, tố cáo tăng nhiều cả về số đơn và số vụ việc; phân loại, làm rõ hơn những vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh, những vụ việc tồn đọng từ những năm trước và số vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài theo từng năm để tùy từng loại việc có giải pháp và lộ trình xử lý cụ thể. Bổ sung đánh giá chi tiết hơn về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của đoàn đại biểu Quốc hội chuyển đến các bộ, ngành và địa phương để xử lý.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị, Chính phủ rà soát, bổ sung các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Tập trung chỉ đạo và có giải pháp, lộ trình cụ thể nhằm xử lý dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài; hạn chế tối đa việc phát sinh vụ việc mới gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Sớm sửa đổi quy định phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến cơ quan dân cử
Qua thực tế công tác tại địa phương, ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cho biết, việc tiếp công dân, xử lý đơn thư của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương còn một phần mang tính chất hành chính, mới dừng ở việc “chuyển đơn”. Phân tích nguyên nhân, đại biểu cho rằng, trong một số trường hợp, công dân khi nộp đơn không cung cấp đầy đủ các hồ sơ tài liệu có liên quan đến vụ việc. Vì vậy, Đoàn đại biểu Quốc hội không nắm được hết nội dung, quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo lần đầu hay đã giải quyết nhiều lần dựa trên dữ liệu nội dung đơn để phân loại xử lý. Do đó, việc có trường hợp chuyển đơn đến cơ quan không còn thẩm quyền giải quyết là điều khó tránh khỏi.
Cũng theo đại biểu, một nguyên nhân khác là do chưa có một số hướng dẫn cụ thể về văn bản trả lời của các cơ quan, đơn vị, ngoại trừ các vụ việc liên quan đến giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đền bù phức tạp kéo dài, thì văn bản trả lời mà Đoàn đại biểu Quốc hội nhận được thường rất vắn tắt, mang tính chất thông báo vụ việc đã được giải quyết hay chưa mà không giải trình rõ ràng quy trình giải quyết. Chính vì vậy, Đoàn đại biểu Quốc hội cũng không có cơ sở đánh giá, nắm bắt toàn diện vụ việc. Ngoài ra, chưa có chế tài đủ mạnh đối với những trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị không phúc đáp đơn cho Đoàn đại biểu Quốc hội; hoặc các cơ quan, tổ chức, đơn vị quá hạn trả lời, Đoàn đại biểu Quốc hội phải đôn đốc nhiều lần, dẫn đến tình trạng việc theo dõi, đôn đốc, đánh giá kết quả giải quyết, trả lời của các cơ quan có thẩm quyền chưa được thực hiện thường xuyên.
Mặt khác, đa số các đại biểu Quốc hội tại địa phương là kiêm nhiệm, trong khi lực lượng tham mưu, giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương còn “mỏng” nên việc chủ động tổ chức thực hiện tiếp công dân của Đoàn đại biểu Quốc hội ở một số địa phương còn hạn chế, phụ thuộc vào kế hoạch tiếp công dân định kỳ của địa phương và phân công của Đoàn đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội cũng không có chức năng giải quyết trực tiếp vụ việc, muốn tổ chức thì phải phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị có liên quan, và điều này phụ thuộc vào thời gian bố trí công tác của các cơ quan, đơn vị.
Xuất phát từ những nguyên nhân như vậy, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị, đối với Trung ương, cần mở hệ thống phần mềm tập hợp, tổng hợp các vụ việc phức tạp, nổi cộm đã chấm dứt thụ lý để giảm tải lượng đơn của Đoàn đại biểu Quốc hội chuyển đơn ngoài tỉnh hoặc đến các cơ quan trung ương trong bối cảnh một vụ việc, một công dân hoặc tổ chức gửi một lúc đơn thư đến Đoàn đại biểu Quốc hội ngày càng nhiều. Đẩy nhanh việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương, hướng tới việc chủ động lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra, rà soát để giải quyết dứt điểm tại địa phương.
Công tác xử lý đơn thư, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những chức năng rất quan trọng của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử. Làm tốt chức năng này sẽ giúp cơ quan dân cử, đại biểu dân cử thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình trước cử tri, qua đó cũng củng cố niềm tin của cử tri đối với các cơ quan dân cử cũng như đại biểu dân cử. Nhấn mạnh điều này, ĐBQH Thái Thị An Chung (Nghệ An) đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm nghiên cứu sửa đổi các quy định về phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến cơ quan dân cử. Cùng với đó, cần tiếp tục tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đại biểu dân cử và cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc của các Đoàn đại biểu Quốc hội về nội dung này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý đơn thư sử dụng chung giữa các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội để thuận lợi hơn trong quản lý, lưu trữ, xử lý đơn thư và theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn thư.
Nguồn tin: daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn