- Một phiên livestream bán hơn 2.000 cuốn... 22:18 | 31/03/2024
- Thành phố Thủ Đức sẽ có đường sách từ... 22:55 | 17/12/2023
- Báo chí số là gì và các lợi ích? 22:50 | 17/12/2023
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự cuộc làm việc.
Cùng dự, về phía Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về phía Chính phủ và các cơ quan liên quan có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí và các Bộ trưởng, trưởng ngành...
Theo chương trình Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày (từ ngày 6 đến hết sáng 8.11) để tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Báo cáo tại cuộc làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, Kỳ họp thứ Sáu là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, do đó, theo quy định pháp luật, việc chất vấn sẽ không tiến hành theo nhóm vấn đề như thông lệ mà sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành liên quan về những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội Khoá XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XV đến hết Kỳ họp thứ Tư về giám sát chuyên đề, chất vấn (các Nghị quyết).
Để chuẩn bị cho phiên chất vấn, Chính phủ, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước cũng đã có báo cáo về kết quả thực hiện các nội dung liên quan tại các Nghị quyết gửi đến đại biểu Quốc hội. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra các báo cáo này.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Tổng Thư ký Quốc hội xây dựng báo cáo tổng hợp một số vấn đề trọng tâm, nổi lên trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn; báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban về việc thực hiện các Nghị quyết. Các báo cáo này được gửi đến đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, chuẩn bị nội dung chất vấn trực tiếp tại Kỳ họp.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu cho rằng, tuy không chất vấn theo nhóm vấn đề như thông lệ nhưng cần có cách thức tổ chức chất vấn phù hợp để bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Theo đó, các đại biểu nhất trí cao với gợi mở của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về việc nên tiến hành chất vấn theo 4 nhóm lĩnh vực gồm: kinh tế tổng hợp – vĩ mô; kinh tế ngành; văn hoá - xã hội và tư pháp, nội chính, kiểm toán nhà nước.
Cách thức tổ chức chất vấn như vậy, theo các đại biểu sẽ giúp vừa đánh giá tổng hợp theo lĩnh vực, vừa soi chiếu, làm sáng tỏ trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan liên quan từ nhiều góc độ, nhất là những nội dung liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, cơ quan khác nhau; đồng thời cũng sẽ tạo sự chủ động cho các bộ trưởng, trưởng ngành trong việc chuẩn bị các nội dung trả lời chất vấn, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của các đại biểu Quốc hội.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức cuộc làm việc rà soát các công việc chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khoá XV. Theo Thủ tướng, hoạt động chất vấn luôn được cử tri và Nhân dân hết sức quan tâm. Qua chất vấn phải khẳng định được những việc đã làm được, những việc còn hạn chế, cần rút kinh nghiệm và những việc phải tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất của chất vấn và trả lời chất vấn là làm thế nào để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn các nhiệm vụ được giao, đặc biệt, như quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh là, qua chất vấn phải cùng nhau tìm ra được những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, bám sát sự lãnh đạo của Đảng để cùng nhau hoàn thành trọng trách trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, phiên chất vấn sẽ tiến hành theo 4 nhóm gồm: lĩnh vực kinh tế tổng hợp - vĩ mô; kinh tế ngành; văn hoá - xã hội và tư pháp - nội chính - kiểm toán nhà nước. Thời gian dành cho mỗi nhóm lĩnh vực chất vấn sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế.
Với phương châm "coi trọng giám sát những vấn đề sau giám sát", phiên chất vấn sẽ tập trung vào việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, cụ thể gồm: 10 Nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội trong nhiệm kỳ Khoá XIV và từ đầu nhiệm kỳ Khoá XV đến hết Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khoá XV.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban tiếp tục rà soát, tổng hợp kỹ lưỡng các nội dung đánh giá, các vấn đề trọng tâm nổi lên qua việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề để báo cáo Quốc hội.
Nguồn tin: daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn