- Một phiên livestream bán hơn 2.000 cuốn... 22:18 | 31/03/2024
- Thành phố Thủ Đức sẽ có đường sách từ... 22:55 | 17/12/2023
- Báo chí số là gì và các lợi ích? 22:50 | 17/12/2023
Với tính chất quan trọng của nguồn lực đất đai, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị phải tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hoá hơn nữa Nghị quyết số 18 của Trung ương, các quy định được sửa đổi lần này phải thực sự căn cơ, lâu dài.
ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau): Quản lý nhà nước chặt chẽ nhưng không làm khó người dân
Tôi đánh giá cao tinh thần sửa đổi Luật Đất đai lần này. Đất đai đã thật sự được coi trọng bằng những quy định cụ thể theo hướng đây không chỉ là tài sản mà còn là nguồn lực, nguồn vốn mang tính thị trường hơn, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cho cả người dân và doanh nghiệp. Trong đó có quy định về việc phát triển quỹ đất với các cơ chế công khai, minh bạch hơn để Nhà nước tạo quỹ đất, chủ động điều tiết cung cầu thị trường, đấu giá quyền sử dụng đất; thị trường quyền sử dụng đất đa dạng, dễ dàng chuyển hóa thành dòng tiền... Với một quốc gia đi lên từ nông nghiệp, tích lũy phát triển, mở rộng kinh doanh và nâng cao đời sống gắn liền với đất như nước ta, những thay đổi trong dự thảo Luật thật sự có ý nghĩa thực tiễn.
Cũng chính vì ý nghĩa và tầm quan trọng quá lớn của nguồn lực đất đai đối với người dân và doanh nghiệp, tôi đề nghị lần sửa đổi này càng phải cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" (Nghị quyết số 18) hơn nữa. Cần đưa ra những quy định căn cơ lâu dài, tránh tác động, gây biến động quá lớn, thậm chí hỗn loạn thị trường bất động sản, gây hậu quả nặng nề, tác động đến sự tồn vong của doanh nghiệp và đời sống của người dân như thời gian qua.
Cụ thể là, vừa qua Chính phủ liên tục có những giải pháp khó gỡ cho thị trường bất động sản. Đặc biệt, Nghị quyết số 33 được ban hành với mục tiêu thúc đẩy thị trường bất động sản bền vững, từng bước tháo gỡ khó khăn về câu chuyện pháp lý của các dự án trái phiếu và dòng vốn. Nhưng ở góc độ nào đó, đây vẫn là biện pháp tình thế can thiệp vào thị trường. Muốn thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, chúng ta cần có Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở đồng bộ, ổn định, nhất quán, phù hợp với quy luật của thị trường.
Tại Nghị quyết số 18, mục 2.5 có yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai cần có chính sách ưu đãi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với địa bàn ưu đãi đầu tư cũng là yêu cầu của Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tuy nhiên, tôi chưa thấy thể hiện tinh thần này trong dự thảo Luật.
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ Điều 64 đến Điều 67 dự thảo Luật, theo đó, quy hoạch cũng bao gồm chỉ tiêu diện tích giao đất cho các địa phương. Điều này gây khó khăn cho địa phương cấp tỉnh và huyện sẽ phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nhiều lần trong quá trình thực hiện. Tôi đề nghị tách quy hoạch và kế hoạch ra hai nội dung, chỉ tiêu thì nằm trong kế hoạch.
Về phân loại sử dụng đất. Tại Điều 9, tôi thấy phân loại rất nhiều loại đất nông nghiệp. Điều này sẽ gây khó khăn cho người dân trong quá trình thực hiện. Ví dụ, dự thảo Luật đang phân chia đất cây trồng lâu năm, cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản... Ở Cà Mau và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thì đất trồng cây đước, cây lâu năm, nuôi tôm, nuôi cua, nuôi cá, trồng sen là cùng một loại đất. Tôi đề nghị phân loại đất theo mục đích quản lý của Nhà nước, không phân loại theo mục đích sử dụng của người dân để quản lý đất của Nhà nước được chặt chẽ nhưng không làm khó cho người dân.
ĐBQH Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam): Nông dân nên được góp vốn bằng chính mảnh đất của mình
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này với nhiều chính sách quan trọng, tác động đến đời sống kinh tế - xã hội, nhận được nhiều sự quan tâm của nhân dân. Để hoàn thiện dự thảo Luật, tôi đề nghị một số nội dung sau:
Về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại Điều 45, tôi chọn phương án 2 vì hiện nay nhiều hộ gia đình có đất trồng nông nghiệp là đất lúa dù không trực tiếp sản xuất nhưng vẫn thuê mướn người để canh tác, sản xuất. Việc bắt buộc trong mọi trường hợp, bất kể quy mô đất trồng lúa nhận chuyển nhượng cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nhận chuyển nhượng đất trồng lúa đều phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa là chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay. Đồng thời đề nghị xem xét điều chỉnh quy định theo hướng: người nông dân có đất nông nghiệp được góp vốn bằng chính mảnh đất của mình để khuyến khích tích tụ đất đai phục vụ các dự án sản xuất nông nghiệp quy mô lớn chứ không nên quy định theo hình thức chuyển nhượng.
Về cơ quan, đơn vị, tổ chức có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất đã thu hồi tại Điều 86, tôi đề nghị cần cụ thể hóa hơn nữa theo hướng: làm rõ tổ chức được thực hiện các chức năng vừa nêu là tổ chức công lập hay tổ chức tư nhân vì thực tế các tổ chức tư nhân đã từng được cho phép thực hiện các nội dung này và phát huy tốt hiệu quả.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi tại Điều 91, Nghị quyết số 18 đã nêu rõ quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì "người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ". Quan điểm hết sức quan trọng này lại chưa được thể chế hóa đầy đủ, cụ thể tại Điều 91. Do đó, tôi đề nghị bổ sung nguyên tắc nêu trên vào dự thảo Luật, giữ nguyên khoản 2 Điều 89 của dự thảo Luật lấy ý kiến nhân dân; đồng thời, quy định rõ hơn các tiêu chí cơ bản "bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" để tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình thu hồi và tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, gây cản trở quá trình triển khai các công trình, dự án lớn.
ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh): Cần bảo đảm hơn nữa quyền lợi của người có đất bị thu hồi
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tập trung giải quyết vấn đề hỗ trợ giải quyết việc làm cho người dân sau thu hồi đất tại Điều 108 và Điều 109. Tuy nhiên, tôi băn khoăn với quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 108 về 6 nội dung hỗ trợ chính sách và các biện pháp hỗ trợ khác khi Nhà nước thu hồi đất và Điều 109 về hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất. Dự thảo Luật đã có những quy định mới, rõ ràng, chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và đảm bảo hơn nữa quyền lợi của người có đất bị thu hồi.
Tuy nhiên, khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về vấn đề này cho thấy, trong số những nông dân có thay đổi việc làm, số người chuyển sang làm thuê là nhiều nhất và số người chuyển sang học nghề mới là ít nhất. Cùng với đó, tiền bồi thường, hỗ trợ từ đất chưa được nông dân sử dụng đúng cách. Vì vậy, sau một thời gian họ sử dụng hết tiền, mất tư liệu sản xuất, mất việc làm, không có thu nhập.
Do đó, tôi đề nghị cần làm rõ phạm vi, đối tượng hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất sẽ được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, tránh tình trạng bỏ sót như từng xảy ra tại hướng dẫn Nghị định số 47 năm 2014. Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tế là việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm tại nhiều địa phương không được thực hiện mà trả bằng tiền hoặc người được nhận hỗ trợ lại bán suất học nghề cho người khác, dự thảo Luật cần có những quy định mang tính bắt buộc về việc mở lớp đào tạo nghề; đồng thời phải có hướng dẫn chặt chẽ và chi tiết hơn để đảm bảo lớp học nghề được tổ chức nghiêm túc, có hiệu quả.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần quy định rõ về vấn đề quy hoạch và phát triển các làng nghề truyền thống. Đây có thể xem là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp. Các làng nghề truyền thống đã có từ lâu đời tại địa phương như mây tre đan, hàng thủ công xuất khẩu. Các làng nghề này không nhất thiết phải phát triển tại nơi làng đó đang tồn tại mà có thể tại những làng mới.
Cùng với đó, phải xác định trách nhiệm hỗ trợ giải quyết việc làm của doanh nghiệp sử dụng đất với người lao động có đất bị thu hồi. Ví dụ, cần có những quy định cụ thể, bắt buộc doanh nghiệp có dự án sử dụng đất thu hồi phải bố trí lao động địa phương vào làm việc tại các doanh nghiệp.
Nguồn tin: daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn