- Một phiên livestream bán hơn 2.000 cuốn... 09:18 | 01/04/2024
- Thành phố Thủ Đức sẽ có đường sách từ... 10:55 | 18/12/2023
- Báo chí số là gì và các lợi ích? 10:50 | 18/12/2023
ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên):
Cần tiếp tục các giải pháp cắt giảm chi phí, giảm hợp lý lãi suất cho vay
Một loạt chính sách tài khóa như cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, nhất là thuế giá trị gia tăng (VAT) được đồng loạt triển khai thực hiện đã góp phần cổ vũ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước đưa nền kinh tế phục hồi và khởi sắc. Bên cạnh đó cũng có một số chính sách chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất, vốn đầu tư phát triển của Chương trình, cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, cho vay phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi...
Đối với những chính sách mà việc triển khai chưa hiệu quả, kết quả chưa đạt so với kế hoạch đặt ra, giải ngân chậm trễ, cần phân tích, đánh giá, làm rõ nguyên nhân để rút kinh nghiệm từ khâu nắm bắt tình hình đến khâu nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách cũng như tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp ra quyết định và thực thi chính sách, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Nếu cần thiết, phải làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng đơn vị, cá nhân để bảo đảm nguồn lực tài chính công được sử dụng một cách kịp thời, tiết kiệm, đúng mục tiêu và đạt hiệu quả tốt nhất, tránh lãng phí, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực tài chính công đang rất hạn chế, lại càng eo hẹp hơn do suy giảm kinh tế, suy giảm nguồn thu do đại dịch. Việc để nguồn vốn không thể giải ngân và việc chậm đề xuất, kiến nghị với Quốc hội để chuyển sang thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu khác là vấn đề cần phải được rút kinh nghiệm sâu sắc.
Về tình hình thực hiện chính sách tiền tệ, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện tốt chính sách tiền tệ hỗ trợ cho phục hồi kinh tế sau đại dịch, bảo đảm cùng lúc thực hiện mục tiêu kép: vừa kiềm chế lạm phát; giảm lãi suất nhằm hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, vừa ổn định tỷ giá, vừa đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Thời gian qua, các ngân hàng đã nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động để kéo lãi suất cho vay xuống thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn phát triển sản xuất - kinh doanh. Thế nhưng, trên thực tế khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn còn hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan, như báo cáo chung về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Chính phủ đã đánh giá. Báo cáo cần làm rõ một số thông tin như: số vốn đã cho vay là bao nhiêu, các doanh nghiệp có dễ tiếp cận thủ tục vay vốn hay không, doanh nghiệp có nhu cầu vay hay không, kết quả so sánh giữa lãi suất với lạm phát được đánh giá như thế nào?... Ngành ngân hàng cần tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa để cắt giảm chi phí, giảm hợp lý lãi suất cho vay so với tỷ lệ đầu vào huy động. Trong tình hình còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa có khả năng sớm tổ chức lại sản xuất do ảnh hưởng suy thoái toàn cầu, thậm chí nhiều doanh nghiệp không thể phục hồi, việc áp dụng chính sách tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động… là vấn đề cần phải xem xét, đánh giá thêm.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh):
Làm rõ các nguyên nhân chậm giải ngân các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43
Tôi đánh giá cao các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội. Nghị quyết 43/2022/QH15 là quyết sách chưa có tiền lệ, được ban hành trong một thời điểm đặc biệt; các chính sách tài khóa, tiền tệ được ban hành theo Nghị quyết được xem như những "phao cứu sinh" của phần đông cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cả nước. Những chính sách đó đã giúp doanh nghiệp, người dân giảm chi phí sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy doanh nghiệp sớm phục hồi, phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, trong 9 tháng năm 2023, có 135.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể; trong khi số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động chỉ đạt 165.200 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 9 tháng năm 2023 tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường 8 tháng đầu năm 2023 đã cao hơn tổng số doanh nghiệp rời khỏi thị trường cả năm của các năm từ 2018 - 2021, gần bằng giá trị của cả năm 2022. Tăng trưởng tín dụng đến ngày 11.10.2023 chỉ đạt 6,29% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu có chiều hướng gia tăng; nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 9 tháng năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Tình hình này sẽ còn diễn biến khó lường trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024.
Để đạt mục tiêu về tăng trưởng GDP cho năm 2023 và giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 là 6,5 - 7%, cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) và hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để duy trì và tạo làm mới cho người lao động theo Nghị quyết 43. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển bố trí cho các dự án đầu tư của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết năm 2024. Để triển khai thực hiện hiệu quả nội dung này, đề nghị Chính phủ cần bổ sung nội dung đánh giá kết quả thực hiện đối với phần vốn đã giải ngân; đánh giá tác động đối với việc gia hạn chính sách, đồng thời làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan của việc chậm giải ngân hoặc giải ngân thấp đối với các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội.
ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang):
Thời gian áp dụng đã đủ để các chính sách phát huy đầy đủ hiệu quả chưa?
Các cơ chế, chính sách đặc biệt trong Nghị quyết 43/2022/QH15 đã tạo được hiệu ứng đặc biệt, mang lại những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù vậy, cần nhìn nhận lại những kết quả đạt được để được đánh giá toàn diện, khách quan hiệu quả của các chính sách để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và có những quyết sách phù hợp trong thời gian tới. Đơn cử, liên quan đến vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư phát triển, trước yêu cầu đẩy nhanh việc hấp thụ vốn đầu tư phát triển, Nghị quyết yêu cầu phải hoàn thành việc giải ngân vốn trong năm 2022 và 2023, điều này đồng nghĩa với việc khâu chuẩn bị đầu tư phải thật tốt, tính đến yếu tố khả thi nhưng trong thực tiễn đã cho thấy nhiều vướng mắc, tồn tại trong khâu đánh giá, dự báo, chuẩn bị… Do đó, cần phân tích, đánh giá thật rõ những vướng mắc, tồn tại.
Liên quan tới chính sách giảm 2% thuế VAT, đã có nhiều ý kiến đề nghị xem xét giảm sâu hơn nữa. Vì vậy, đề nghị cần có đánh giá thật đầy đủ, toàn diện. Thời gian qua, khi thực hiện Nghị quyết 43, các chính sách được triển khai trong thời hạn năm 2022 nhưng thực tiễn cho thấy việc hấp thụ các chính sách hỗ trợ này trong khoảng thời gian rất ngắn là bất khả thi, do đó tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội đã cho phép tiếp tục thực hiện các chính sách này đến hết năm 2023. Liệu thời gian áp dụng đã đủ để các chính sách phát huy đầy đủ hiệu quả chưa? Tới đây, Chính phủ sẽ rà soát, đánh giá lại các chính sách, đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ tác động của các chính sách. Ví dụ, nếu gói hỗ trợ dự tính giảm 40 nghìn tỷ đồng tiền thuế thì để bù đắp lại phần thiếu hụt nguồn thu ngân sách nhà nước từ khoản cắt giảm thuế này, sẽ cần phải thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh để quy mô doanh thu tăng lên cũng phải tương ứng.
Nguồn tin: daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn