- Một phiên livestream bán hơn 2.000 cuốn... 22:18 | 31/03/2024
- Thành phố Thủ Đức sẽ có đường sách từ... 22:55 | 17/12/2023
- Báo chí số là gì và các lợi ích? 22:50 | 17/12/2023
Bảo đảm chất lượng cao nhất khi xem xét, thông qua
Tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, kỹ lưỡng tiếp tục được phát huy, nhất là trong công tác lập pháp. Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: chuẩn bị các nội dung về công tác lập pháp tại Kỳ họp thứ Sáu, nhất là các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua, ngay sau Kỳ họp thứ Năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo sát sao, yêu cầu cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo và kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu Quốc hội; tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ Tư, nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khảo sát, tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động... Đối với các nội dung thay đổi về chính sách phát sinh trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, đều yêu cầu Chính phủ có ý kiến bằng văn bản và đánh giá kỹ lưỡng tác động trước khi đưa vào dự thảo luật.
Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV là kỳ họp quan trọng đặc biệt không chỉ vì khối lượng công việc mà đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, diễn ra phiên lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đúng như nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: đây là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Việc đánh giá của đại biểu Quốc hội đối với những người được lấy phiếu cũng là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của đông đảo cử tri cả nước thực hiện quyền giám sát đối với những người được giao trọng trách trước Đảng, trước nhân dân; thành công của phiên họp từ khâu chuẩn bị đến quá trình lấy phiếu sẽ là kinh nghiệm quan trọng để HĐND cấp tỉnh, cấp huyện tiến hành lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu.
Đối với các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến về hồ sơ các dự án luật đã bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay chưa. Nhất là các báo cáo đánh giá tác động, dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành kèm theo, cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tính hợp lý, khả thi và các quy định cụ thể về từng nội dung chính sách được sửa đổi, bổ sung trong mỗi dự án luật… đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc ngay từ đầu để các cơ quan có thời gian chỉnh lý, bảo đảm chất lượng cao nhất khi xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.
“Kỳ họp sẽ bàn, quyết định 9 luật, cho ý kiến đối với 8 dự án luật, trong đó có các luật rất quan trọng, được đông đảo cử tri quan tâm, đó là: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội và nhiều dự án luật quan trọng trên lĩnh vực kinh tế. Tôi hy vọng Quốc hội sẽ bàn bạc kỹ đối với nội dung từng luật, tôn trọng ý kiến góp ý của cử tri và nhân dân để các luật được ban hành sớm đi vào thực tiễn, tháo gỡ rào cản về hành lang pháp lý mà nhiều phiên họp, diễn đàn kinh tế - xã hội mà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức đã chỉ ra” - cử tri Trần Cường, huyện Đắk Hà, Kon Tum kỳ vọng.
Minh chứng cho những quyết sách sát, trúng
Tại kỳ họp, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, phục hồi và tạo đà cho phát triển, là điểm sáng trong phát triển kinh tế của toàn cầu. Trong đó, đáng chú ý là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ, về số tuyệt đối cao hơn khoảng 110.000 tỷ đồng; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 2,2%... Đây là những con số biết nói, minh chứng cho những giải pháp Quốc hội khóa XV quyết định trong thực hiện mục tiêu năm 2023 đã sát, trúng; cũng là tiền đề quan trọng để Kỳ họp thứ Sáu xem xét quyết định các giải pháp hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra cho năm 2024.
Trong tình hình thế giới và trong nước như hiện nay, qua báo cáo cho thấy Việt Nam đã hoàn thành 10/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra cho năm 2023. Đặc biệt, nhiều chỉ tiêu quan trọng đã đạt và vượt. Cử tri chúng tôi rất phấn khởi trước kết quả đạt được của nước nhà. Trong đó, đáng mừng nhất là chúng ta đã kiểm soát được lạm phát, giải ngân nguồn vốn đầu tư công đã cao hơn so với cùng kỳ; những vấn đề “nóng”, bức xúc đại đa số cử tri kiến nghị được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm giải quyết, tháo gỡ - cử tri Bùi Đăng Khoa, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh phấn khởi.
Tăng cường giám sát trực tiếp để tạo chuyển biến tích cực hơn
Nhiều cử tri theo dõi phiên khai mạc Kỳ họp thứ Sáu sáng qua chung cảm nhận, điều đáng trân trọng là Quốc hội đã xem xét tại Kỳ họp thứ Năm về kết quả giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và tại Kỳ họp thứ Sáu này, lần đầu tiên kể từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023. “Đây là những đổi mới cần thiết, kế tục quan điểm “dân làm gốc” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra” - cử tri Bùi Đăng Khoa, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Thời gian qua, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân được giải quyết thấu đáo, mang lại niềm tin cho cử tri và nhân dân. Nhiều địa phương, người đứng đầu đã công khai điện thoại di động để cử tri, nhân dân trực tiếp phản ánh và đã thực sự mang lại hiệu quả như tại TP. Đà Nẵng, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh... Tuy nhiên, vẫn còn đơn thư khiếu nại, kéo dài vượt cấp. Tình trạng Chủ tịch UBND tỉnh không tiếp công dân ngày nào trong tháng theo quy định vẫn còn xảy ra. Hoạt động tiếp công dân của đại biểu HĐND ở cấp huyện, xã hầu như chưa thực hiện được… Do đó, việc Quốc hội lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này đưa ra thảo luận kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân là việc làm cần thiết, nhằm tăng cường giám sát trực tiếp để tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực tế - cử tri Nguyễn Anh Lương, thành phố Hải Dương, Hải Dương bày tỏ.
Nguồn tin: daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn