Đột phá ứng dụng AI trong khám, chữa bệnh tạo bước chuyển quan trọng của ngành y tế

Chủ nhật - 29/10/2023 22:55
Ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh mang lại nhiều ích lợi to lớn cho hệ thống y tế. Đặc biệt, với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), tỷ lệ bỏ sót trong chẩn đoán bệnh sẽ giảm xuống chỉ còn 1-2%, giúp thu hẹp khoảng cách về mức độ chẩn đoán giữa các tuyến y tế.

Ngày 29/10/2023, nhân dịp kỉ niệm 5 năm thành lập, Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa - Gan mật cùng với Phòng khám Đa khoa Hoàng Long đã tổ chức Hội nghị khoa học với chủ đề: “Các tiến bộ mới trong quản lý và điều trị bệnh lý tiêu hoá và gan mật”.

hd_-event-3.jpg

Hội nghị khoa học với chủ đề: “Các tiến bộ mới trong quản lý và điều trị bệnh lý tiêu hoá và gan mật”

Hội nghị đã đưa ra báo cáo tổng kết 5 năm hoạt động với các hướng nghiên cứu khoa học chính của Viện bao gồm rối loạn chức năng đường tiêu hóa; nội soi trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý đường tiêu hóa; các bệnh lý gan mật…. Trong hội nghị, nhiều thông tin khoa học về y tế đã được cập nhật, mang tính ứng dụng cao trên thế giới và tại Việt Nam trong những năm tới, hứa hẹn sẽ giúp kết nối giữa các chuyên gia trong và ngoài nước.

Ứng dụng AI để chẩn đoán và điều trị sớm ung thư đại trực tràng

Tại Hội nghị, PGS.TS.BS. Tomoaki Matsumura, Bệnh viện Đại học Chiba, Nhật Bản, đã có bài tham luận về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đánh giá mức độ xâm lấn của ung thư đại trực tràng (UTĐTT).

Theo BS. Tomoaki Matsumura, độ chính xác chẩn đoán của AI sẽ ngày càng được cải thiện trong tương lai. Các góc nhìn về phương pháp tầm soát hiệu quả cũng như ứng dụng AI trong phát hiện và chẩn đoán sớm UTĐTT đã được chia sẻ và thảo luận chi tiết.

UTĐTT là bệnh ung thư phổ biến ở mức toàn cầu, đứng thứ 3 trong tổng số các ca ung thư (chiếm 10%) với số lượng mắc mới năm 2020 là gần 2 triệu người, tỷ lệ mắc 19,5/100.000 dân, tỷ lệ tử vong xếp thứ hai. Bệnh lý này đang gia tăng nhanh chóng ở cả các nước công nghiệp và nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, UTĐTT là ung thư phổ biến hàng thứ 5 tại Việt Nam sau ung thư gan, phổi, dạ dày, vú.

UTĐTT đang là một gánh nặng bệnh tật và kinh tế tại Việt Nam, do đó, các phương pháp dự phòng, tầm soát sớm, chẩn đoán sớm, theo dõi sau điều trị là một vấn đề luôn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia trong lĩnh vực.

Việc phát hiện sớm ung thư có thể tăng tỷ lệ điều trị thành công, và phát hiện sớm u tuyến có thể ngăn ngừa và giảm tỷ lệ mắc UTĐTT. Ứng dụng AI trong chẩn đoán các bệnh lý tiêu hoá cũng là xu thế tất yếu và mang đến những kết quả đột phá, trong đó có UTĐTT.

Trao đổi bên lề Hội nghị khoa học, GS. TS. BS Đào Văn Long, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu & Đào tạo tiêu hóa, gan mật, cho biết chiến lược ứng dụng CNTT của Viện đang có hai bước đi rất trọng tâm. Thứ nhất là ứng dụng các phần mềm AI, và thứ hai là xây dựng các ứng dụng hỗ trợ bệnh nhân và bác sỹ trong điều trị các bệnh lý về tiêu hóa.

hd_-event-6.jpg

GS. TS. BS Đào Văn Long cho biết nghiên cứu theo hướng ứng dụng AI trong lĩnh vực tiêu hóa gan, mật sẽ là một trong những trọng tâm của giai đoạn tiếp theo.

GS. TS. BS Đào Văn Long là một chuyên gia đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêu hóa, gan mật và là một trong những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm tại Việt Nam về lĩnh vực này.

Đối với chiến lược ứng dụng công nghệ AI, GS. TS. BS Đào Văn Long cho biết bản thân Viện đang tự xây dựng các phần mềm AI, đặc biệt trong lĩnh vực nội soi, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật đã thành công trong việc xây dựng phần mềm AI phát hiện polyp trong đại tràng và phân loại polyp có khả năng gây ung thư.

Viện cũng đang tiếp tục nghiên cứu và xây dựng phần mềm ứng dụng AI vào điều trị các tổn thương của đường tiêu hóa trên. Ngoài việc tự nghiên cứu xây dựng các phần mềm ứng dụng AI, Viện cũng tìm hiểu và nghiên cứu ứng dụng các phần mềm AI của các nước khác, so sánh với sản phẩm mà Viện đã xây dựng để học hỏi và hoàn thiện hơn.

Ứng dụng AI giúp tỷ lệ bỏ sót trong chẩn đoán bệnh chỉ còn 1 - 2%

Trong những năm qua, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật cũng đã có các đề tài cấp nhà nước liên quan đến phát triển AI. Ngoài ra, Viện cũng tham gia đồng thử nghiệm một đề tài với VinIF trong xây dựng thuật toán AI.

Cũng nhằm thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ điều trị bệnh nhân, Viện đã xây dựng các ứng dụng (app) trên smartphone.

Chẳng hạn đối với việc soi đại tràng, đây là một việc rất thường quy trong tiêu hóa, và muốn soi đại tràng, bệnh nhân cần làm sạch đại tràng nhưng quy trình uống thuốc làm sạch đại tràng khá phức tạp, vì thế các bác sỹ đã xây dựng ứng dụng để hỗ trợ bệnh nhân như nhắc nhở giờ uống thuốc, giải đáp thắc mắc”, GS. TS. BS Đào Văn Long nói và cho biết gần đây Viện cũng xây dựng thêm ứng dụng quản lý bệnh nhân trào ngược dạ dày, thực quản.

GS. TS. BS Đào Văn Long tiết lộ khi giới thiệu các ứng dụng này ở hội thảo tại nước ngoài, một số đối tác cũng rất quan tâm, thậm chí “ngỏ lời đặt hàng mua lại ứng dụng”.

Theo PGS. TS, BS. Đào Việt Hằng, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật, hiện cả hai phần mềm đã có mặt trên kho ứng dụng iOS và Android và đã có gần 1.000 người sử dụng.

hd_-event-5.jpg

PGS. TS. BS. Đào Việt Hằng phát biểu tại sự kiện

Đã có một số nghiên cứu được tiến hành cho thấy người bệnh rất hài lòng với các ứng dụng vì được nhắc uống thuốc, giải đáp thắc mắc và được bác sỹ tư vấn chi tiết. Trong khi đó, về mức độ làm sạch đại tràng trước khi nội soi, các bác sỹ cho biết ứng dụng đã giúp trên 90% bệnh nhân đạt mức độ sạch như yêu cầu”, BS. Đào Việt Hằng nói và cho biết thêm đây là các phần mềm chỉ có thể sử dụng bởi các đơn vị y tế, vì nếu người bệnh không được hướng dẫn mà tự sử dụng tại nhà sẽ không an toàn, vì vậy, hiện chúng tôi đang thực hiện theo hướng triển khai các ứng dụng tại đơn vị y tế.

GS. TS. BS Đào Văn Long cho rằng ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh là bước chuyển rất quan trọng của ngành y tế, mang lại nhiều ích lợi to lớn. Hiện nay, việc đào tạo nguồn nhân lực y bác sỹ rất khó khăn và mất nhiều thời gian, để có 1 bác sỹ có thể thực hiện nội soi tốt phải mất quãng thời gian khoảng 10 năm.

Với một bác sỹ nội soi mới vào nghề, tỷ lệ bỏ sót khi nội soi có thể lên đến 50%, trong khi những bác sỹ có kinh nghiệm, tỷ lệ bỏ sót là khoảng 15%. Nhưng khi ứng dụng công nghệ AI, tỷ lệ bỏ sót chỉ khoảng 1-2%. “Đấy là một bước tiến rất lớn và mang nhiều ý nghĩa trong ngành y tế, giúp khả năng đồng đều về mức độ chẩn đoán giữa các tuyến được gần nhau hơn”, GS. TS. BS Đào Văn Long nói.

Tuy vậy, theo các bác sỹ, về kỹ thuật, các chuyên gia Việt Nam không thua kém các nước, song công tác ứng dụng CNTT, đặc biệt là công nghệ AI, tại Việt Nam vẫn gặp những khó khăn liên quan đến chi phí. Bởi vì, theo chia sẻ của các bác sỹ, về mặt chi phí sẽ có 2 phần. Với kỹ năng và chuyên môn tốt, các bác sỹ Việt Nam có thể xây dựng phần mềm và phối hợp với các cơ quan khác trong quá trình thực hiện, nhưng phần khó khăn chính nằm ở phần cứng vì đòi hỏi mức độ đầu tư lớn.

Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật là tổ chức khoa học công nghệ nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực tiêu hóa, gan mật. Với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ, nghiên cứu viên có trình độ chuyên môn cao và tâm huyết, Viện mong muốn trở thành đơn vị đáng tin cậy trong công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ y tế chuyên ngành, nhằm đóng góp vào công cuộc chăm sóc sức khỏe cho con người trong lĩnh vực tiêu hóa, gan mật./.

Nguồn tin: ictvietnam.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây