- Một phiên livestream bán hơn 2.000 cuốn... 22:18 | 31/03/2024
- Thành phố Thủ Đức sẽ có đường sách từ... 22:55 | 17/12/2023
- Báo chí số là gì và các lợi ích? 22:50 | 17/12/2023
Quả thực, nợ đọng bảo hiểm là câu chuyện nóng bỏng suốt thời gian qua. Báo cáo của Ủy ban Xã hội cho biết, tính đến hết năm 2022, tổng số tiền chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền lãi chậm đóng là gần 12,4 nghìn tỷ đồng (gồm nợ gốc gần 8.561 tỷ đồng và lãi chậm đóng hơn 3,4 nghìn tỷ đồng). Trong đó, chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là hơn 12 nghìn tỷ đồng, chiếm 97,2% tổng số tiền chậm đóng, nợ đóng và tăng hơn 612 tỷ đồng so với năm 2021, tại gần 200 nghìn đơn vị, tương ứng với trên 2,6 triệu lao động bị ảnh hưởng.
Như đánh giá của Ủy ban Xã hội, điều đáng quan tâm là nếu không tính tiền lãi và chỉ so với tổng số nợ gốc thì số tiền chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tập trung ở nhóm doanh nghiệp ngoài quốc doanh (chiếm 80,49% tổng số tiền chậm đóng, nợ đóng) và tăng 243,2 tỷ đồng so với năm 2021.
Bên cạnh đó, số tiền có thời gian chậm đóng dưới 3 năm là 3,74 nghìn tỷ đồng, chiếm 43,67%; số tiền chậm đóng trên 3 năm là 4.822 tỷ đồng chiếm 56,33%. Năm 2022, số tiền chậm đóng, nợ đóng chỉ tăng 121,14 tỷ đồng so với năm 2021, nhưng số tiền chậm đóng, nợ đóng từ 3 năm trở lên lại tăng 654,78 tỷ đồng và chiếm tỷ lệ 56,33% (năm 2021 là 49,38%). Đặc biệt, số tiền và tỷ lệ nợ đóng, chậm đóng khó thu đã tăng từ 2.262 tỷ đồng (năm 2021) lên 2.540 tỷ đồng (năm 2022). Điều này đồng nghĩa với nguy cơ nợ khó đòi ngày càng tăng và ngày càng... khó đòi.
Một điểm đáng chú ý nữa là vẫn còn tình trạng ngân sách nhà nước chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; đồng thời, nhóm người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có số thu tăng hơn 7 lần so với năm 2021 thì số nợ cũng tăng hơn 3 lần.
Mặc dù đã thống kê, phát hiện được các trường hợp trốn đóng nhưng đến nay vẫn chưa xử lý hình sự được theo quy định của pháp luật về hình sự. Hiện cũng chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu, dứt điểm, nhất là đối với các doanh nghiệp, đơn vị nợ bảo hiểm xã hội đã ngừng hoạt động, đang trong quá trình giải thể, phá sản hoặc người sử dụng lao động bỏ trốn… Điều này gây ra rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Hơn nữa, tình trạng doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội còn khiến người lao động mất niềm tin vào hệ thống bảo hiểm xã hội. Tháng nào doanh nghiệp cũng trừ tiền bảo hiểm của người lao động nhưng doanh nghiệp vẫn nợ cơ quan bảo hiểm. Tình cảnh doanh nghiệp nợ bảo hiểm, người lao động chịu thiệt - có thể đẩy họ đi đến quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần cho an toàn! Gánh nặng an sinh vì thế sẽ càng lớn hơn.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Có giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội là một trong những yêu cầu đặt ra với dự thảo này. Hiện tại, nhiều giải pháp đã được đưa ra, ví dụ: ngừng sử dụng hóa đơn, hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm; cơ quan Bảo hiểm Xã hội có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm theo Bộ luật Hình sự; bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động... Tất cả các phương án cần được thảo luận kỹ lưỡng và đề xuất thêm, để cuối cùng có được những giải pháp bảo đảm tính khả thi và hiệu quả, hiệu lực cao nhất. Có như vậy, người lao động mới không phải chịu thiệt và không phải loay hoay tự đi đòi quyền lợi của mình.
Nguồn tin: daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn