Giải Nobel, nền văn chương thế giới: Nguồn cảm hứng và thực tế thị trường

Thứ ba - 03/10/2023 10:14
18h ngày 5-10 (giờ Việt Nam), giải Nobel văn chương 2023 sẽ được Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố. Năm nay, theo nhiều nhà cái, nhà văn Tàn Tuyết đang là ứng viên dẫn đầu.

 

 
Người phụ nữ đọc sách, tranh in từ bản khắc gỗ, Katsushika Hokusai, 1822 - Ảnh: artsmia.org

Người phụ nữ đọc sách, tranh in từ bản khắc gỗ, Katsushika Hokusai, 1822 - Ảnh: artsmia.org

Một chiều đầu năm 1827, Johann Peter Eckermann, người thư ký trung thành của Johann Wolfgang von Goethe, tới thăm nhà đại thi hào người Đức, như đã hàng trăm lần trong ba năm rưỡi qua.

Goethe nói ông đang đọc cuốn Hoa Tiên ký (1824), một tiểu thuyết diễm tình Trung Hoa rất phổ biến ở nước này thời bấy giờ, nhưng là thứ mới mẻ ở Tây phương.

"Thật sao? Vậy thì cuốn đó chắc là lạ lắm!" Eckermann la lên. "Không, không lạ tí nào", Goethe đáp.

Eckermann ngạc nhiên cho rằng cuốn tiểu thuyết Trung Hoa này hẳn là vào loại xuất sắc bậc nhất. Cũng không đúng nốt. Goethe nói đầy vẻ cương quyết: "Hoàn toàn không đúng. Người Trung Hoa có hàng nghìn cuốn như thế, và họ đã có từ khi tổ tiên chúng ta còn sống trên cây".

Rồi Goethe nói những lời sẽ đi vào lịch sử văn chương thế giới: "Thời đại một nền văn chương thế giới đã bắt đầu, và tất cả phải góp phần vào đó".

Nền văn chương có tính toàn cầu

Ý tưởng đầu tiên về một nền văn chương có tính toàn cầu đấy, gần 200 năm trước giải Nobel văn chương đầu tiên được trao ở thời hậu-ChatGPT, đang trở nên quan trọng bao giờ hết.

Goethe tất nhiên sống trong một thời đại hoàn toàn khác. Lúc bấy giờ, Paris là kinh đô ánh sáng, không chỉ của châu Âu, mà cả thế giới.

Johann Wolfgang von Goethe

Johann Wolfgang von Goethe

Những nhà nghệ sĩ và học giả Đức, trước thế thống trị về văn hóa của quốc gia láng giềng, vất vả kháng cự bằng tinh thần dân tộc: họ sưu tập truyện dân gian và gắng xây nên một "bản sắc văn hóa Đức".

Goethe nhất trí về chuyện người Đức phải độc lập về văn hóa với Pháp, nhưng không đồng ý với cuộc tìm kiếm về "cội nguồn truyền thống Đức". Ông muốn một điều gì đó khác, lớn lao và tốt đẹp hơn. Giải pháp của ông là nền văn chương thế giới.

Kết quả là ngoài tiểu thuyết Trung Hoa, Goethe đã đọc vở kịch tiếng Phạn kinh điển Shakuntala của Kalidasa, ông còn học tiếng Ả Rập, và đã rất yêu nhà thơ Ba Tư Hafez.

Đó là những sở thích lạ lùng ở châu Âu đang tự tin mình là trung tâm và người khai sáng của văn minh nhân loại thời bấy giờ. Vào sinh nhật Goethe, có người tặng ông một chiếc khăn choàng kiểu Ả Rập, nhưng ông không coi ra gì trò đùa giỡn đấy.

Ông vẫn tiếp tục thói quen đọc đủ thứ văn chương xa xôi, với hy vọng nêu gương cho người khác. Với Goethe, thế giới văn chương là nơi không có ngôn ngữ hay quốc gia duy nhất nào có thể thống trị.

May cho Goethe, một thị trường văn chương thế giới cũng đang hình thành. Văn chương của những vùng đất xa xôi, một hiện tượng tương đối mới mẻ lúc bấy giờ, đã dễ tiếp cận hơn nhiều.

Câu chuyện của Tagore

Kể từ Goethe, Marx và Engels, nền văn học thế giới đã ngày một trở nên toàn cầu hóa. Vào nửa sau thế kỷ 19, nhà phê bình người Ireland Hutcheson Macaulay Posnett không ngừng vận động cho lý tưởng văn học thế giới từ… New Zealand.

Ở châu Âu, học giả người Hungary Hugó Meltzl lập một tạp chí mà trong tuyên ngôn ông nói là sẽ phụng sự hết mình cho "lý tưởng" văn học thế giới.

Tagore

Tagore

Ở Ấn Độ cùng thời, thi hào Rabindranath Tagore cũng mang hoài bão đó.

Dù ca ngợi nhiệt thành hai sử thi vĩ đại của quê hương Ramayana và Mahabharata, Tagore luôn nhấn mạnh với độc giả của ông rằng họ cần coi văn chương như một cơ thể sống duy nhất, một toàn thể đa liên kết trong đó không nơi nào có thể gọi là trung tâm.

Sống trong chế độ thuộc địa châu Âu, Tagore nhìn thấy ở văn chương thế giới lời phản kháng chống lại chế độ thực dân, nhưng ông cũng từ chối việc coi những truyền thống văn hóa Nam Á là lựa chọn thay thế duy nhất. Giống như Goethe, ông chối bỏ cả chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa dân tộc.

Năm 1913, Tagore trở thành tác giả đầu tiên ở ngoài phương Tây được trao giải Nobel văn chương.

Nhưng điều có phần trớ trêu là thành công của Tagore cũng biến ông trở thành một biểu tượng cho tinh thần quốc gia, không chỉ ở Ấn Độ: Cả Ấn Độ và Bangladesh đều sử dụng các bài thơ của ông làm bài quốc ca.

Nguồn cảm hứng, vừa là một thực tế thị trường

Trong thời trước Thế chiến II, nền văn học thế giới đấy không chỉ tồn tại ở những quốc gia lớn về mặt chính trị, hay những ngôn ngữ trọng yếu có nhiều người nói, nó còn nảy nở ở bên lề các quốc gia và đế chế.

Năm 1939, nhà thơ viết bằng tiếng Yiddish (một thứ cổ ngữ Đức - Do Thái) Melech Ravitch khẳng định sự tồn tại của một nền văn học thế giới tiếng Yiddish là thực tế "không thể phủ nhận", với các tác giả đang viết hăng say sinh sống ở Warsaw, New York và Moscow.

Ông giải thích điều này vừa là một lý tưởng đẹp đẽ, vừa là một thực tế thị trường, dù là một thị trường "còn nhiều biến động và chưa phát triển đầy đủ".

(Phải tới năm 1978 mới có một tác giả viết bằng tiếng Yiddish được trao Nobel văn chương: Isaac Bashevis Singer).

Chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa phát xít lớn mạnh những năm 1920 và 1930 trên nguyên tắc xung đột sâu sắc với lý tưởng về nền văn học thế giới.

Nhưng đồng thời, những dòng di cư chạy trốn các chế độ tàn bạo ở châu Âu là cú hích mới cho nền văn học thế giới. Đặc biệt, những cuộc di cư ồ ạt sang Hoa Kỳ trong và sau Thế chiến II đã biến nước Mỹ thành đất lành cho nền văn chương thế giới kia, dù cũng kèm theo nhiều thách thức.

Khi Hoa Kỳ vươn lên nắm giữ vai trò chủ đạo về văn hóa (ít ra là văn hóa đại chúng), như với nhiều lĩnh vực khác, họ trở thành siêu cường xuất khẩu văn hóa của chính họ.

Hiệu sách El Ateneo Grand Splendid ở Buenos Aires, Argentina - Ảnh: shutterstock.com

Hiệu sách El Ateneo Grand Splendid ở Buenos Aires, Argentina - Ảnh: shutterstock.com

Xu hướng này tiếp tục tới tận ngày nay, khi chỉ 3% số sách xuất bản ở Mỹ là dịch từ tiếng nước ngoài. Giống như Paris thế kỷ 19, nước Mỹ trở thành một khu vực văn hóa địa phương - văn hóa địa phương của toàn cầu.

Năm 2008, Horace Engdahl, thư ký thường trực ở Viện hàn lâm Thụy Điển (nay đã phải từ chức), nơi trao giải Nobel, than phiền: "Nước Mỹ quá cô lập, quá tách biệt. Họ không dịch đủ sách và không thật sự tham gia vào cuộc đối thoại văn chương. Sự vô tri đó kìm hãm nhiều thứ".

Nhưng Engdahl chỉ nói đúng một nửa. Dù tỉ lệ còn khiêm tốn, quy mô thị trường khiến Mỹ vẫn là nơi rất quan trọng với nền văn học thế giới, dù qua những nhà xuất bản hay những ấn bản nhỏ hơn, như World Literature Today (tạp chí văn chương) hay Words Without Borders (trực tuyến).

Elena Ferrante là một ví dụ gần đây: tác giả này đã thành công ở quê hương Ý của mình, nhưng chỉ trở thành hiện tượng toàn cầu khi tác phẩm được khen ngợi và có doanh số ấn tượng tại Mỹ.

Sự đón nhận Ferrante ở Mỹ thậm chí đã dội ngược về Ý, đưa tới làn sóng thứ hai tìm đọc cô ở chính quê nhà. Những người viết văn di cư mang tới cho nước Mỹ một nền văn học thế giới kiểu khác.

Một số người, như tác giả người Nigeria Chimamanda Ngozi Adichie (hay người Việt Nguyễn Thanh Việt), viết bằng tiếng Anh.

Những người khác, như tiểu thuyết gia được giải Nobel người Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk, tiếp tục viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình, và nước Mỹ chỉ là điểm tựa để họ phát huy vai trò người viết văn cho cả thế giới.

Tiểu thuyết gia và nhà thơ sinh ở Trung Quốc Ha Jin (Cáp Kim, tên thật là Kim Tuyết Phi) lại là điển hình cho một nhóm thứ ba nữa: sang Mỹ rồi mới chuyển sang viết bằng tiếng Anh.

Văn chương thế giới vì vậy vẫn giống như thời Goethe, vừa là nguồn cảm hứng, vừa là một thực tế thị trường.

Nhà văn Tàn Tuyết - Ảnh: Conjunctions

Nhà văn Tàn Tuyết - Ảnh: Conjunctions

Ứng viên dẫn đầu Nobel văn chương 2023: Tàn Tuyết?

Không cần phải nói là những năm gần đây, Nobel văn chương ngày càng (cố gắng) thể hiện tinh thần của một nền văn học thế giới đúng nghĩa, với các quốc tịch và xuất thân người nhận giải đa dạng hơn, gồm không ít tác giả là người di cư.

Năm nay, theo nhiều nhà cái, nhà văn người Trung Quốc Tàn Tuyết đang là ứng viên dẫn đầu. Dù đã được nhắc tên trong danh sách ứng viên nhiều năm, năm nay bà đặc biệt nổi bật vì cuốn tiểu thuyết Chuyện tình tân thế kỷ của bà đã được xuất bản và gây tiếng vang ở Thụy Điển.

Đáng nói hơn, dịch giả cuốn sách không phải ai xa lạ: Chen Anna đã nổi tiếng với các bản dịch tác phẩm của Mạc Ngôn, nhà văn Trung Quốc gần đây nhất được trao giải Nobel (2012).

Cuốn tiểu thuyết của Tàn Tuyết cũng đã lọt vào danh sách rút gọn Giải thưởng văn học dịch xuất sắc nhất Thụy Điển năm nay.

Tên thật là Đặng Tiểu Hoa, Tàn Tuyết sinh năm 1953 ở Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam. Là nạn nhân của cách mạng văn hóa, gia đình bà bị coi là cánh hữu trong chiến dịch chống cánh hữu năm 1957, khiến bà chỉ được học hết tiểu học.

Tàn Tuyết sau đó làm công nhân nhà máy, thợ may, và có lúc làm cả thầy thuốc không giấy phép. Tiểu thuyết đầu tiên của bà xuất bản năm 1985 và dù khá nổi tiếng ở phạm vi quốc tế, bà không được đọc rộng ở chính Trung Quốc.

Phong cách trừu tượng và lối kể chuyện phi tuyến tính của bà thu hút nhiều sự chú ý từ giới phê bình những năm 1990 (bà thậm chí từng được gọi là "Franz Kafka của Trung Quốc").

Đã có nhiều diễn giải khác nhau về tác phẩm của Tàn Tuyết, thường liên hệ với các biến cố chính trị như cách mạng văn hóa, phong trào chống cánh hữu và những biến cố khác ở Trung Quốc.

Nhưng Tàn Tuyết hiếm khi trực tiếp đề cập tới các biến cố đó trong tác phẩm và chính bản thân bà đã công khai bác bỏ mọi diễn ngôn chính trị mà nhiều người khác tuyên bố họ tìm thấy trong sách của bà.

"Không hề có sứ mệnh chính trị gì trong tác phẩm của tôi", bà nói trong một cuộc phỏng vấn với chuyên san Văn hóa và văn học Trung Quốc hiện đại vào năm 2014. "Ở những tầng bậc rất sâu, tất cả tác phẩm của tôi đều là những tự truyện".

Một số tác phẩm của bà cũng đã được dịch sang tiếng Việt và đăng rải rác trên mạng.

Nguồn tin: tuoitre.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây