Giải pháp đã rõ, cần đẩy nhanh thực hiện

Thứ năm - 02/11/2023 09:58
Theo các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội diễn ra rất sôi nổi, các ý kiến đã bao phủ các mặt của đời sống và đều là những vấn đề được cử tri hết sức quan tâm. Các giải pháp được nêu ra rất cụ thể, sát thực tế, đúng mong muốn của doanh nghiệp, vấn đề là cần đẩy nhanh thực hiện để tạo chuyển biến trong thực tế.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng LÊ CAO TUẤN: Phát triển nhà ở xã hội chính là nuôi dưỡng nguồn lực

 
Giải pháp đã rõ, cần đẩy nhanh thực hiện -0

Theo dõi phiên thảo luận về kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến năm 2024, có thể thấy, các nội dung được đại biểu đề cập đã bao phủ các mặt của đời sống kinh tế - xã hội và đều là những vấn đề được cử tri hết sức quan tâm, trong đó có vấn đề nhà ở xã hội. Đây là vấn đề lớn vì liên quan trực tiếp tới hàng triệu người lao động.

Đúng như các đại biểu phản ánh, thời gian qua, mặc dù Đảng, Nhà nước đã quan tâm phát triển nhà ở xã hội song vẫn rất ít doanh nghiệp mặn mà. Nguyên nhân bởi mặc dù thiết kế chính sách đều có quy định cả người mua và doanh nghiệp tạo lập được vay vốn ưu đãi, nhưng thực tế hầu hết chỉ thực hiện cho người mua nhà vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội còn cho doanh nghiệp vay hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng thương mại thì hầu như không có (trừ gói 30 nghìn tỷ đồng). Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn nhiều hơn thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại vì thêm phê duyệt giá bán và phê duyệt đối tượng mua do có sử dụng ưu đãi của Nhà nước…

Do đó, để phát triển nhà ở xã hội, tôi rất tán thành ý kiến của các đại biểu là cần xem doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội là đối tượng ưu tiên đặc biệt, để từ đó thiết kế chính sách, cơ chế tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Chúng ta cần nhìn nhận phát triển nhà ở xã hội không phải chỉ là một chính sách hỗ trợ, mà đó còn là nuôi dưỡng nguồn lực cho sự phát triển, bởi nếu người lao động không “an cư” thì làm sao “lạc nghiệp”?

Đáng chú ý, mô hình Quỹ phát triển nhà ở được các nước áp dụng bắt buộc đối với người có nhu cầu mua nhà ở xã hội, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Ở Đức áp dụng quỹ này từ năm 1930. Do vậy, cần xem xét lập Quỹ phát triển nhà ở (có thể nằm trong Ngân hàng Chính sách xã hội) và quy định bắt buộc người có nhu cầu mua nhà ở xã hội phải tiết kiệm 50% tiền mua nhà trong thời gian tối thiểu 5 năm như ở một số nước, để góp thêm nguồn lực đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Phó Tổng thư ký Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam NGUYỄN TIẾN THẮNG: Các giải pháp được đề xuất rất cụ thể

Giải pháp đã rõ, cần đẩy nhanh thực hiện -0

Nhìn chung, hiện, nhiều doanh nghiệp tụt giảm sản lượng doanh thu trên 30%; riêng lĩnh vực vật liệu xây dựng, con số này trên 40%. Rõ ràng, doanh nghiệp đang vô cùng khó khăn!

Trong bối cảnh đó, chúng tôi rất trông chờ phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội với kỳ vọng sẽ làm rõ được tình hình doanh nghiệp cũng như đề xuất được các giải pháp thiết thực. Theo dõi phiên thảo luận sau 1,5 ngày vừa qua, điều khiến chúng tôi cảm thấy rất ấn tượng là không khí thảo luận, đặc biệt là sự tranh luận rất sôi nổi. Các ý kiến đã bám rất sát với tình hình vô cùng khó khăn của doanh nghiệp. Nhiều đại biểu có sự đầu tư kỹ lưỡng, đi sâu vào nội tại của khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Các giải pháp được đề xuất rất cụ thể, từ tháo gỡ về vốn, tiếp tục cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, giảm thuế, lệ phí… và rất trúng với mong muốn của doanh nghiệp.

Trong giai đoạn này, để tập trung cho phục hồi kinh tế thì cần phải đẩy nhanh, đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp này. Chúng tôi rất mong Ngân hàng Nhà nước tính tới việc sớm gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ mà hạn cuối đang để là 30.6.2024 vì đầu năm 2024 sẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất của doanh nghiệp, sẽ rất nhiều doanh nghiệp nợ xấu trong thời gian này. Đi kèm các gói vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh cần có các gói vay hỗ trợ tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất tiêu thụ nội địa.

Luật sư NGUYỄN DOÃN HÙNG, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam: Quy định cụ thể về chung cư mini trong Luật Nhà ở (sửa đổi)

Luật sư NGUYỄN DOÃN HÙNG


Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội là về chung cư mini. Đây là vấn đề mang tính xã hội rất được quan tâm hiện nay.

Đúng như các đại biểu chỉ ra, hiện vẫn chưa có quy định rõ thế nào là chung cư mini, trong khi đây là loại hình nhà ở đã giải quyết tạm thời bài toán về “an cư lạc nghiệp” của rất nhiều cư dân đô thị. Ưu điểm của chung cư mini là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, các chung cư này đang hoạt động không đúng với quy định và có nên loại bỏ?

Để trả lời cho câu hỏi này, thứ nhất, cần xác định rõ “lấy gì để thay thế chung cư mini?”. Một trong những giải pháp là xây dựng và phát triển các dự án nhà ở xã hội. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các địa phương phải có nguồn đất và hỗ trợ tài chính cho các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, bảo đảm rằng giá bán hoặc thuê nhà ở xã hội phù hợp với người dân có nguồn thu nhập thấp - trung bình.

Đối với các dự án xây dựng chung cư đang hoạt động trái phép, các nhà đầu tư có thể thúc đẩy việc cải thiện thiết kế và quản lý để trở nên phù hợp với yêu cầu và quy định hiện tại. Điều này có thể bao gồm việc giảm diện tích và tối ưu hóa không gian để làm giảm giá bán hoặc thuê.

Thứ hai, giải quyết hệ quả từ những căn hộ chung cư mini như thế nào? Các cư dân đang sinh sống trong các căn hộ này đã đầu tư một khoản tài chính vào đây. Do đó, cần bảo đảm rằng họ không phải gánh chịu những tổn thất không cần thiết khi các căn hộ này bị loại bỏ hoặc cải tạo, đồng nghĩa với việc hỗ trợ tài chính trong việc tìm kiếm chỗ ở mới hoặc bồi thường xứng đáng cho những mất mát tài sản nếu có. Khi loại bỏ hoặc cải tạo những chung cư mini cần chú ý đến hệ thống cơ sở hạ tầng xung quanh như đường giao thông, điện nước, vệ sinh môi trường.

Tóm lại, để có được lựa chọn tốt nhất đối với chung cư mini, đòi hỏi có sự hợp tác giữa các cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương, chủ sở hữu và cộng đồng để bảo đảm rằng các chung cư mini đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn và vệ sinh, đồng thời tạo ra lợi ích cho cả cộng đồng, đặc biệt là người thuê nhà. Việc có quy định cụ thể cho chung cư mini là cần thiết, song cần tuyệt đối tránh hợp thức hóa những sai phạm của chung cư mini trong Luật Nhà ở (sửa đổi)!

Nguồn tin: daibieunhandan.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây