Hướng đến tăng trưởng bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống

Thứ sáu - 03/11/2023 09:41
Các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV đã khẳng định sức “nóng” với 69 đại biểu phát biểu, 24 đại biểu tham gia tranh luận, 92 đại biểu đã đăng ký nhưng chưa được phát biểu. Với kinh nghiệm, tri thức và bản lĩnh vững vàng đã được tích luỹ qua nửa nhiệm kỳ, các đại biểu đã tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết khi bàn thảo các giải pháp phát triển đất nước, hướng đến mục tiêu cao nhất là sự ổn định, bền vững của tăng trưởng và nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống người dân.

Băn khoăn về tính bền vững của kết quả phát triển

Theo dõi phiên thảo luận tại hội trường qua sóng truyền hình, phát thanh trực tiếp, cử tri nhiều địa phương đặc biệt đánh giá cao Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ trình bày trước Quốc hội. Theo đánh giá của cử tri, dù gặp phải không ít khó khăn, thách thức song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội với các cơ quan trong hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước vẫn ghi nhận xu hướng phục hồi tích cực. Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu với ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Con số tăng trưởng GDP dù chưa đạt kế hoạch song cũng là minh chứng sinh động nhất cho sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đúng đắn của Chính phủ trên cơ sở đánh giá toàn diện, dự báo đúng tình hình, diễn biến để chủ động đề ra các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Cử tri mong đợi những chính sách thực sự hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nguồn: baodautu.vn

Cử tri mong đợi những chính sách thực sự hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh
 Nguồn: baodautu.vn

Dẫu vậy, giữa bức tranh với nhiều điểm sáng, cử tri cũng bày tỏ băn khoăn bởi một số yếu tố tạo nên thành tích chưa thực sự bền vững, thậm chí còn tiềm ẩn không ít rủi ro. Cùng chung quan điểm như nhiều ĐBQH đã phát biểu tại nghị trường, cử tri Vũ Văn Nhỏ (cán bộ hưu trí, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: 5/15 chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch chủ yếu thuộc lĩnh vực kinh tế. Điều này phản ánh "sức khỏe" chưa thật ổn của nền kinh tế, nhất là trước những khó khăn, thách thức đang được dự báo sẽ còn diễn biến khó lường.

Cũng bày tỏ mối quan tâm đến các chỉ tiêu dự kiến không hoàn thành, cử tri Nguyễn Trường An (TP. Lào Cai, Lào Cai) cho rằng: tăng trưởng năng suất lao động 3 năm liên tiếp không đạt mục tiêu, trong khi đây là động lực để thúc đẩy tăng trưởng là vấn đề hết sức đáng lo. Thực tế đó phản ánh, dù đã có nhiều đổi mới trong giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học song chất lượng đào tạo còn khoảng cách so với yêu cầu của thị trường và xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Mặt khác, tình trạng mất cân đối về cơ cấu, trình độ cơ cấu ngành, cơ cấu vùng miền vẫn là một điểm yếu dai dẳng trong phát triển nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Khơi dậy nội  lực, khai thác hiệu quả các dư địa tăng trưởng

Trong 1,5 ngày diễn ra phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV đã khẳng định sức “nóng” với 69 đại biểu phát biểu, 24 đại biểu tham gia tranh luận, 92 đại biểu đã đăng ký nhưng chưa được phát biểu. Như Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định trong phát biểu khai mạc, diễn ra ngay sau thành công Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII với nhiều quyết định rất cơ bản và quan trọng, Kỳ họp thứ Sáu sẽ thể chế ngay một số quyết sách vừa được Trung ương hoạch định nhằm chuẩn bị chắc chắn để cả nước bước vào năm 2024 - năm bứt phá, tiến tới hoàn thành các kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Vì lẽ đó, sự quan tâm, kỳ vọng của cử tri cũng trở thành mạch cảm xúc chung trong không chỉ 1,5 ngày làm việc của Quốc hội vừa qua mà còn xuyên suốt từ khi kỳ họp bước vào chương trình nghị sự. Đáp ứng kỳ vọng cử tri, với kinh nghiệm, tri thức và bản lĩnh vững vàng đã được tích luỹ qua nửa nhiệm kỳ Quốc hội, các đại biểu đã tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết khi bàn thảo các giải pháp phát triển đất nước, hướng đến mục tiêu cao nhất là sự ổn định, bền vững của tăng trưởng và nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân.

Nhiều cử tri TP. Hạ Long (Quảng Ninh) cho rằng, dưới sự điều hành khoa học, linh hoạt của Chủ tọa, phần tham luận của các đại biểu với tinh thần trách nhiệm và thẳng thắn bám sát vào những vấn đề rất được dư luận, nhân dân quan tâm. “Gần đây, nổi lên là lo lắng của người dân về tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm làm chậm tiến độ giải quyết công việc, gây khó khăn thêm cho nền kinh tế”, Luật sư Nguyễn Văn Bảo, Giám đốc Công ty Luật Bảo Phong (Đoàn Luật sư Quảng Ninh) cho biết; đồng thời, kiến nghị: bên cạnh giải pháp hàng đầu là đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, pháp luật liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị, đặc biệt là nhiệm vụ mà công chức phải thực hiện… thì hành lang pháp lý trên các lĩnh vực phải rõ ràng, đầy đủ, tránh tình trạng đẩy khó khăn và rủi ro cho những người trực tiếp thực thi công vụ.

Với nhiều cử tri tỉnh Gia Lai, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cùng với nỗ lực của các địa phương và cộng đồng dân cư thời gian qua đã tạo ra sức mạnh tổng hợp giúp công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực. Các chương trình mục tiêu quốc gia cũng góp phần "thay da đổi thịt" nhiều khu vực nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, cử tri mong muốn, các chính sách, chương trình hỗ trợ người nghèo, khu vực khó khăn cần tạo điểm tựa, động lực để người dân vươn lên, tạo dựng sinh kế lâu dài. Trong đó, phải hướng đến phát huy hơn nữa nội lực của cộng đồng, sự tham gia tích cực, chủ động của từng người dân; phải tạo được mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa mỗi người dân với cộng đồng, xã hội, để cùng hướng đến một mục tiêu chung là thay đổi toàn diện chất lượng cuộc sống.

Còn cử tri Hoàng Minh (quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) mong muốn, trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội còn không ít tồn tại như: tính liên kết trong phát triển doanh nghiệp còn yếu; khó cạnh tranh trên thị trường nội địa; doanh nghiệp chưa tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu… Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung cho các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Cụ thể, khuyến khích đầu tư, hạn chế đầu cơ, hướng dòng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh thực; đẩy mạnh hoạt động kết nối doanh nghiệp. Cùng với đó, cần nghiên cứu và ban hành các chính sách điều tiết các mô hình kinh doanh mới cho phù hợp với bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, xu hướng hội nhập và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam đã tham gia…

Nguồn tin: daibieunhandan.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây