- Một phiên livestream bán hơn 2.000 cuốn... 22:18 | 31/03/2024
- Thành phố Thủ Đức sẽ có đường sách từ... 22:55 | 17/12/2023
- Báo chí số là gì và các lợi ích? 22:50 | 17/12/2023
Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu khẳng định, thời gian qua, các cơ quan tư pháp đã tích cực đấu tranh phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và xử lý các loại tội phạm vi phạm pháp luật. Theo đó, nhiều hoạt động trong năm 2023 đã đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao như: các cơ quan tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết 468.828 vụ việc dân sự và 12.162 vụ việc khiếu kiện hành chính (tăng 24.832 vụ việc so với cùng kỳ năm 2022). Tòa án và Viện kiểm sát các cấp đã thực hiện nhiều giải pháp hướng dẫn các bên đương sự cung cấp chứng cứ, trong đó tích cực thực hiện hòa giải đối thoại thành công 80.440 vụ việc.
Đại biểu cũng nhận định: Luật Tổ chức Hòa giải đối thoại tại Tòa án, có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 đã tạo ra cơ chế pháp lý để người dân lựa chọn phương thức hòa giải đối thoại để giải quyết tranh chấp khiếu kiện tại Tòa án một cách linh hoạt, phù hợp, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân. Đặc biệt, khi hòa giải đối thoại thành công, mối quan hệ giữa đôi bên được hàn gắn ngày càng tốt đẹp hơn, đoàn kết hơn trong cộng đồng dân cư, giảm đáng kể số vụ việc phải giải quyết của cơ quan xét xử và cơ quan thi hành án. Báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao chỉ rõ, đã có 119.058 vụ việc/129.856 đơn đương sự đồng ý hòa giải, đạt tỷ lệ 91,68%.
Tuy nhiên, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu nêu thực tế qua khảo sát tại một số tòa án địa phương, vẫn còn tình trạng người dân khi nộp đơn tại tòa lại từ chối hòa giải đối thoại, mặc dù cán bộ tòa án kiên trì hướng dẫn, giải thích những lợi ích mà người dân được hưởng lợi từ chính sách ưu việt của phương án hòa giải đối thoại. Theo đó, đại biểu đề nghị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án nói riêng với những lợi ích ưu việt nhằm khuyến khích người dân chủ động lựa chọn phương án hòa giải đối thoại tại tòa án khi giải quyết tranh chấp. Đồng thời, đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi thực hiện tư vấn pháp luật trong việc hướng dẫn, giải thích để người dân lựa chọn ngày càng nhiều hơn phương thức giải quyết tranh chấp này.
Mặt khác, cần đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và phòng đối thoại đúng quy định, nhất là trang thiết bị phục vụ đối thoại hòa giải trực tuyến. Bởi hiện nay, tình trạng các trụ sở của cơ quan tòa án, viện kiểm sát cấp huyện nhiều nơi xuống cấp nhưng chưa được xây dựng mới hoặc sửa chữa. Bằng chứng là, hiện có 278 trụ sở tòa án cấp huyện xuống cấp, thiếu nhà xét xử, phòng hòa giải, cần đầu tư xây dựng mới nhưng chưa được bố trí nguồn kinh phí. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, phân bổ nguồn kinh phí đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu cũng cho rằng, cần có cơ chế, chính sách đối với đội ngũ hòa giải viên. Đại biểu dẫn chứng: hiện có hơn 3.000 hòa giải viên là thẩm phán, thư ký đã nghỉ hưu, luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia hòa giải viên. Đây là đội ngũ có nhiều kinh nghiệm trong công tác và có uy tín cao trong cộng đồng dân cư. Theo quy định tại Nghị định số 16/2021/NĐ-CP về phí hòa giải tại tòa án và thù lao hòa giải viên, một số vụ việc hòa giải đối thoại không thành được chi trả 500.000 đồng/vụ việc, hòa giải thành thì được chi trả cao nhất 1.500.000 đồng/vụ việc. Tuy nhiên, hiện có nhiều vụ việc dân sự hành chính phải hòa giải, điều tra kiên trì nhiều lần gặp gỡ trao đổi với các bên. Đây chính là lý do đại biểu đề nghị, cần có sự quan tâm, động viên, ghi nhận của cơ quan, tổ chức liên quan.
Nguồn tin: daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn