Kỷ niệm 66 năm Ngày Báo Hànộimới hằng ngày xuất bản số đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2023): Người của một thời

Thứ ba - 24/10/2023 09:48
Hồi “chân ướt chân ráo” về Báo Hànộimới vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, tôi cực kỳ ấn tượng với ba bậc “trưởng lão”. Người thứ nhất là nhà thơ, nhà báo Yên Thao; người thứ hai là dịch giả, nhà báo Dương Linh; người thứ ba là nhà báo Phấn Đấu. Bộ ba này là những người làm báo chuyên nghiệp lâu năm, một thời góp phần làm nên thương hiệu của tờ báo Đảng Thủ đô.

 

f40937060e4fd911805e.jpg

Nhà báo Dương Linh.

Nhà báo hài hước, giỏi ứng tác

Với riêng tôi, nhà báo Yên Thao có vẻ đặc biệt hơn một chút. Có thể do tôi với ông cùng là dân làm thơ. Có thể do ông vốn xuề xòa, giản dị, dễ gần gũi, có đầu óc hài hước, có tài ứng tác và kể chuyện tiếu lâm thời hiện đại. Và, cũng có thể do ông là người có tài biến tất cả những chuyện quan trọng thành không quan trọng qua cách nói của ông?

Có lần, nhà báo Yên Thao hỏi tôi: “Thế cậu có biết HOAKIMEX là gì không? BAHOATOHO là gì không?”. Không chờ tôi trả lời, ông giải thích luôn: “Hoa ki mếc” (HOAKIMEX) là tên viết tắt nửa Việt nửa Anh của Công ty xuất nhập khẩu quận Hoàn Kiếm. Còn “ba hoa tô hô” (BAHOATOHO) là viết tắt của Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền. Cái tên này do tớ vừa bịa ra đấy. Cứ đà viết tắt vô lối này thì...”.

Một lần khác, gặp tôi, nhà báo Yên Thao bảo: “Mình mới chuyển từ Ban Văn hóa xã hội sang Ban Bạn đọc trước khi nghỉ hưu. Mục mình đang “gác gôn” và cố gắng “nuôi” sao cho “ra môn ra khoai” là “cái anh” “Mỗi ngày một chuyện”. Nhớ đi đâu, thấy cái gì hay ho thì viết cho mình. Có thể viết đều đều cũng được, vì mục này mỗi ngày ra một cái, tốn bài lắm đấy! Nhưng quan trọng là phải viết sao cho cô đọng, vừa hoạt, vừa hóm. Đã thế còn phải “hy sinh” tên tác giả dưới cái bút danh rất chung chung là “Người xây dựng”. Tôi đáp lại thịnh tình của ông: “Vâng, cháu biết mà! Từ nhỏ cháu đã đọc Hànộimới và biết “Mỗi ngày một chuyện” là “đặc sản” truyền thống của báo ta từ khi mới xuất bản kia! Cháu và nhiều người đọc nó như một thói quen không thể thiếu. Tính ra cũng phải ròng rã nhiều năm rồi, bác nhỉ?”.

f3bc9ec7a18e76d02f9f.jpg
Nhà báo Yên Thao.

Rồi có một lần xuống cơ sở, tôi lượm được một chuyện: Có một người không thi thố gì, vậy mà rốt cuộc lại được đặc cách trao giải trong một cuộc thi thiết kế, kiến trúc một ngôi chợ khá lớn và có tiếng ở Thủ đô. Tôi viết, gửi Ban Bạn đọc và được nhà báo Yên Thao sử dụng ngay sau đó một ngày. Nhưng đắt nhất ở mấy trăm từ này là hai câu lục bát mà ông “chua” vào ở phần cuối: “Chuyện tào lao chẳng tào lao/ Không thi chung kết mà vào Final”. Ông bảo: “Sức nặng ở mục này và sự ăn nhau của mục này, có khi nằm ở sau mấy từ “Vậy có thơ rằng...” đấy”.

Tôi còn nhớ, có lần như để châm biếm cái “tinh thần thi đấu” của thể dục thể thao nước nhà, vì không giành được thành tích mấy nên thường bao biện rằng: “Đi là để thử sức, để học tập là chính”, Yên Thao liền cho “ra lò” mấy câu rất vui và cũng rất kịp thời: “A-si-át, A-si-a/ Ta phá kỷ lục của ta thì tài/ Mang quân thi đấu nước ngoài/ Thắm tình hữu nghị gặp ai cũng nhường”.

Lại nhớ có lần biết tin vào ngày nghỉ du khách thường bị “chặt chém” ở một số địa điểm du lịch nổi tiếng với giá “cắt cổ”, lập tức Yên Thao “sản xuất” ngay mấy câu đặc sệt “chất Bút Tre”: “Không đi không biết Tam Đao (Đảo)/ Đi thì không biết đường nào mà ngu (ngủ)/ Một giường nhét đủ hai cu (cụ)/ Đêm nằm tính toán đến chu (chủ) nhật về”.

Nhà thơ Yên Thao làm thơ (trữ tình) từ năm 1949, khi đã là Bộ đội Cụ Hồ. Bài thơ đầu tay có tên gọi là “Nhà tôi”, sau được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc, đổi tên thành “Chuyện giàn thiên lý”. Năm 1950, tập thơ “Thép son” của Yên Thao đã được xuất bản qua NXB Vệ quốc quân (Liên khu 3). Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông chuyển sang viết thơ trào phúng có tiếng với bút danh Cử Yên và đã đoạt nhiều giải thưởng về các đề tài nếp sống mới, sinh đẻ có kế hoạch của Thành phố.

Nhà quản lý đa năng, giỏi thu hút cây bút trẻ

Từ hồi còn công tác ở Sở Thể dục Thể thao Hà Nội, thỉnh thoảng tôi cộng tác với Báo Hànộimới. Hồi ấy, nhà báo Dương Linh là Phó Tổng Biên tập, phụ trách thêm trang Văn hóa - thể thao ra ngày thứ bảy. Một lần, tôi viết một bài trên tinh thần phê phán kèm theo lời góp ý trung thực về một giải vật tự do toàn quốc. Sau khi báo đăng, nhà báo Dương Linh bảo: “Làm báo phải dũng cảm và có đầu óc phát hiện như thế mới có hiệu quả! Nếu “dũng cảm” là bản lĩnh thì “phát hiện” chính là sự khác lạ. Không “dũng cảm”, không “phát hiện”, chỉ khen chê chung chung, na ná giống người khác, thì ai cũng làm báo được cả và những bài báo như thế, hầu như không gây ra hiệu quả xã hội. Tớ rất mong cậu tiếp tục có những bài viết như thế!”.

Khi ấn phẩm Hànộimới Chủ nhật (tiền thân của Hànộimới Cuối tuần) ra đời, nhà báo Dương Linh vẫn là Phó Tổng biên tập kiêm Trưởng ban. Không chỉ là người cầm trịch, ông còn là người rất đa di năng trong vai trò người viết, được thể hiện cụ thể qua các bài viết. Do là người thông thạo tiếng Pháp nên phần dịch, phần tư liệu của ông thường nhanh nhạy, phong phú và độc đáo. Ngoài ra, ông còn là đầu mối thu hút nhiều người viết trẻ. Với tôi, ông là người lặng lẽ, chuyên cần, cởi mở, rất coi trọng chuyên môn và chấp nhận mọi lối nghĩ, mọi cách viết.

Nhà báo Dương Linh có sách dịch từ năm 1973. Từ năm 1984 đến 2004, ông đã cho xuất bản cả chục tiểu thuyết dịch của Pháp, Mỹ, Anh, Anbani... Riêng cuốn “Papillon, người tù khổ sai” của dịch giả Dương Linh đã tái bản nhiều lần.

Trong suy nghĩ về nghề văn, Dương Linh viết: “Vốn là nhà báo, tôi không bao giờ nghĩ mình là nhà văn, mà chỉ là người yêu văn học. Cũng do yêu văn học, lại biết chút ngoại ngữ, tôi dành tay trái để dịch thuật. Dịch chỉ để dịch, để thỏa mãn một nhu cầu, một thú vui lao động trí óc, không theo sự “đặt hàng” của ai”. Điều này bộc lộ chất khiêm nhường, tinh tế của một dịch giả văn học đích thực.

Một cây bút sắc sảo

Nhà báo Phấn Đấu tên thật là Phạm Phấn. Cái bút danh Phấn Đấu rất có hơi hướm và có thể cùng một “dòng” với Thép Mới của Báo Nhân dân, Lửa Mới của Báo Đại Đoàn Kết một thời. Nhà báo Phấn Đấu công tác ở Báo Hànộimới từ thời tờ báo còn mang tên Báo Thủ đô. Ông chuyên viết về mảng văn hóa - văn nghệ. Ông là một cây bút sắc sảo, khách quan và rất có chủ kiến trong từng bài viết của mình.

a6e7488e0fc7d89981d6.jpg
Nhà báo Phấn Đấu.

Có lần, một đồng nghiệp sau khi đọc một bài viết của ông với dòng tít “Đi mà xem phim Việt Nam” đã nhận xét: “Viết về điện ảnh như thế thì mới là viết. Vừa hấp dẫn, vừa hay, lại vừa có nhiều nét riêng”.

Khi Hànộimới có thêm ấn phẩm Hànộimới Chủ nhật, Phấn Đấu vẫn phụ trách mảng văn hóa - văn nghệ. Tại đây, ông “đẻ” ra chuyên mục “Chuyện Sài Gòn” rất hút độc giả. Chuyên mục này được duy trì khá lâu. Ông rất hay đọc bài viết của các cây bút trẻ, hy vọng tìm thấy cái mới, cái khác của họ. Ông bảo: “Người làm báo được đánh giá cao nhờ yêu nghề và tạo ra sự khác biệt. Còn làm báo là tập trung vào vấn đề xã hội của vấn đề. Chúng ta không phải là những người làm thay phần chuyên môn của những người khác”.

Hiện trong số ba bậc trưởng lão mà tôi kể trên, hai nhà báo Dương Linh và Phạm Phấn đã về “thế giới bên kia”. Thật buồn và thật tiếc! Riêng nhà báo Yên Thao thì vẫn tiếp tục cuộc đua “bách niên giai lão”.

Nguồn tin: hanoimoi.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây