Làm rõ một số xu hướng ảnh hưởng lên cung và cầu trong kinh tế báo chí thời đại công nghệ 4.0

Thứ ba - 07/11/2023 23:21
Trong những năm gần đây, ngành báo chí thế giới cũng như tại Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thử thách đến sự ồ ạt phát triển và xâm nhập của các thành tựu công nghệ như dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), v.v… Đứng trước các yêu cầu về chuyển đổi số, việc tìm kiếm những mô hình kinh tế báo chí phù hợp với bối cảnh trong nước trở thành vấn đề cấp thiết [1].

Tóm tắt:

- Năm xu hướng quan trọng ảnh hưởng lên cung và cầu của kinh tế báo chí trong thời đại CMCN 4.0:

(1) tốc độ lan truyền,

(2) Độ chính xác và đáng tin cậy,

(3) Sự đa dạng của các sản phẩm,

(4) Tính cộng đồng,

(5) Sự dồi dào của dữ liệu và việc tiếp cận MỞ của các công cụ của khoa học.

- Ba gợi mở chính sách để giúp thúc đẩy sự phát triển của kinh tế báo chí:

(1) Khuyến khích đa dạng hóa mô hình kinh doanh báo chí để tạo nguồn thu bền vững;

(2) Xây dựng các cộng đồng độc giả xung quanh các chủ đề lĩnh vực để tận dụng xu hướng thị trường mới;

(3) Đầu tư nghiên cứu và đào tạo về truyền thông công nghệ để nâng cao năng lực cho đội ngũ làm báo.

Kinh tế báo chí và kinh tế thị trường: Ảnh hưởng của CMCN 4.0 tới nền kinh tế báo chí

Thời gian gần đây, trên thế giới đã xuất hiện nhiều khái niệm liên quan có sự tương đồng với khái niệm kinh tế báo chí như entrepreneurial journalism hay news startup (tạm dịch là phong trào khởi nghiệp trong ngành tin tức). Điểm chung ở đây là những cơ hội và thách thức về kinh doanh tin tức trong bối cảnh công nghệ 4.0.

Theo quan điểm của trường phái kinh tế học tân tự do, khi coi báo chí là một ngành kinh tế, chịu sự chi phối của các quy luật khách quan của thị trường, ta có thể suy ra mọi thành phần trong nền kinh tế báo chí sẽ được sắp xếp theo “bàn tay vô hình” của thị trường để có được sự cân bằng giữa cung và cầu. Nhu cầu của người tiêu thụ là nhu cầu tìm kiếm và có được các thông tin có giá trị đối với bản thân và vai trò của mình trong xã hội. Và nguồn cung ở đây là việc cung cấp tin tức đến từ các cơ quan báo chí.

Giá trị của thông tin đến từ nhiều góc độ: ví dụ, giá trị trong việc cho phép người có thông tin đưa ra quyết định kinh tế, tài chính như thông tin về thị trường chứng khoán, giá nhà đất, việc làm, v.v…; hay giá trị trong việc cho phép người tiêu thụ tin tức được giải trí, thư giãn hay có được các quan điểm và góc nhìn mới đối với những sự vật, hiện tượng xã hội; hay giá trị trong việc cho phép người tiêu thụ được cập nhật về tình hình trong và ngoài nước như tin chính trị, tin ngoại giao, v.v...

Qua các ví dụ trên, ta có thể rút ra một định nghĩa tổng quát hơn: Giá trị của tin tức đến từ việc giúp người tiêu thụ giảm thiểu sự bất định trong suy nghĩ và hành động của mình, nói cách khác, giúp suy nghĩ và hành động của người tiêu thụ trở nên có định hướng hơn, đặc biệt trong bối cảnh bị hạn chế về nguồn lực như thời gian, nguồn tài chính, v.v… [2, 3]. Từ đó, bài toán cung cầu trong nền kinh tế báo chí là bài toán về việc đảm bảo tin tức có giá trị đến được với người tiêu thụ khi họ cần.

thu-phi-doc-bao-con-duong-cua-bao-chi-chuyen-nghiep.jpg

Trong một nghiên cứu gần đây của Đại học Cologne, Đức, GS. O’Brien và cộng sự đã tổng quan từ 38 nghiên cứu từ năm 2000 - 2019 liên quan tới việc chi trả phí cho tin tức online và tìm ra 17 yếu tố chính ảnh hưởng lên ý định trả phí cho tin tức online [4]. Các yếu tố này được chia thành 3 nhóm bao gồm: Các yếu tố của người tiêu thụ (tuổi tác, giới tính, trình độ giáo dục, kinh nghiệm, v.v..); các yếu tố của hàng hóa tin tức (định dạng/phương tiện, cá nhân hóa, dễ tiêu thụ, tính trải nghiệm độc quyền, chất lượng, tính đặc biệt/ngách); yếu tố kinh tế (tường phí, thu nhập người tiêu thụ, giá cả). Trong đó, các yếu tố thuộc về hàng hóa tin tức như cá nhân hóa, dễ tiêu thụ, tính trải nghiệm độc quyền, chất lượng, tính đặc biệt/ngách đều được nhiều nghiên cứu thực chứng chỉ ra là có quan hệ tương quan tích cực lên ý định trả phí của người dùng.

Như vậy, từ định nghĩa về giá trị của tin tức, tổng quan các nghiên cứu trên thế giới, và phân tích kinh tế báo chí dưới góc độ cân bằng giữa cung và cầu, chúng tôi đưa ra năm xu hướng ảnh hưởng lên cung cầu của tin tức trong bối cảnh công nghệ 4.0 hiện nay bao gồm: (1) tốc độ lan truyền, (2) độ chính xác và đáng tin cậy, (3) sự đa dạng của các sản phẩm, (4) tính cộng đồng và (5) sự dồi dào của dữ liệu và việc tiếp cận MỞ của các công cụ của khoa học.

Năm xu hướng trên có những thuộc tính cụ thể được nêu ra trong Bảng 1, và chúng cùng nhau ảnh hưởng lên cả bên cung và bên cầu liên quan tới việc tiêu thụ tin tức. Tất cả những xu hướng này cùng tác động đồng thời vào nền kinh tế báo chí trên cả khía cạnh nguồn cung cấp và nhu cầu tiêu thụ. Phần tiếp theo làm rõ năm xu hướng trên và qua đó đưa ra những gợi mở cho kinh tế báo chí tại Việt Nam.

bang-1.jpg

Tốc độ

Kinh tế báo chí chịu ảnh hưởng của những xu hướng mới trong tiếp cận độc giả. Sự phát triển của hạ tầng truyền thông và mạng xã hội cho phép khai thác và truyền tải, và lan rộng tin tức trở nên nhanh chóng theo cấp số nhân. Đối với nguồn cung báo chí, sự cạnh tranh về tốc độ đặt áp lực lớn lên các tờ báo và trang web tin tức để tối ưu hóa quy trình sản xuất nội dung. Báo chí đứng trước áp lực phải chạy đua để đưa tin 24/7. Tốc độ nhanh chóng trong việc lan tỏa tin tức làm cho chu kỳ tin tức trở nên ngắn hơn. Nhà báo và biên tập viên phải làm việc nhanh chóng để đảm bảo thông tin mới nhất, đồng thời duy trì chất lượng và độ tin cậy của nội dung.

Song song với đó, tốc độ lan truyền thông tin chưa từng có là một trong những bước tiến quan trọng của báo chí. Trong thời kỳ công nghệ 4.0, tin tức có thể truyền tải trực tiếp từ nguồn sự kiện đến người tiêu thụ trong chưa đầy một phút. Các sự kiện và thông tin có thể được lan truyền tới người tiêu thụ trên khắp thế giới, làm mất đi biên giới trong truyền tải tin tức.

Nhưng, yếu tố tốc độ này cũng đặt ra thách thức về sự quá tải và tính chính xác đáng tin cậy của thông tin. Tốc độ không ngừng phát triển có tạo ra những khoảng trống cho thông tin không chính xác và tin đồn tràn lan. Điều này đặt ra thách tức đối với độ tin cậy của báo chí và khả năng xác minh thông tin. Tốc độ lan truyền, tiếp cận, và khai thác tin tức cũng khiến cho phương trình về cung và cầu trong kinh tế báo chí trở nên khó cân bằng hơn. Cụ thể là trong điều kiện hiện nay, các tòa báo cần cân bằng trong việc đảm bảo ra tin và bài có chất lượng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thông tin ngày càng nhanh chóng của độc giả, đồng thời đáp ứng nhu cầu về chất lượng cũng như yêu cầu về đảm bảo khả năng truyền thông chính sách và chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Chính xác, đáng tin cậy

Với sự ra đời của các công nghệ mới như Generative AI, AI chatbots, hay deepfakes, việc sản xuất tin và lan truyền tin tức trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết [5,6]. Trong một thế giới nơi tin đồn và thông tin không chính xác có thể lan truyền nhanh chóng, điều này thúc đẩy nhu cầu về khả năng phân biệt độ chính xác và xác thực thông tin đến từ cả người làm báo và người tiêu thụ.

Một trong những yếu tố quan trọng của báo chí tạo nên độ chính xác, đáng tin cậy là tính lịch sử và di sản. Năm 1925, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đặt bút thành lập nên tờ Báo Thanh Niên với chức năng là cơ quan ngôn luận của tổ chức Thanh niên Cách mạng Việt Nam. Trải qua hơn 100 năm phát hành, đến nay, báo Thanh Niên vẫn là một nguồn tin đáng tin cậy trong nền báo chí của nước nhà.

Báo chí chuyên nghiệp thường dựa vào nguồn tin đáng tin cậy và thường xuyên trích dẫn nguồn. Sự chắc chắn về nguồn tin là yếu tố quan trọng để đảm bảo nguồn tin chính xác. Báo chí cũng cần phải phản ánh nhiều quan điểm và không phê phán một cách thiên vị. Người đọc cần cái nhìn đa chiều để có thể đánh giá thông tin một cách khách quan và tạo ra cái nhìn tổng thể. Khi có sai sót, cần có sự minh bạch trong giải trình nhằm xóa đi nghi ngờ.

Những năm gần đây, trên thế giới, một số tờ đã báo tận dụng công nghệ để cung cấp công cụ giúp người đọc kiểm tra sự chính xác của thông tin. Các công cụ kiểm tra sự chính xác của thông tin bao gồm: The Washington Post Fact Checker, FactCheckEU, International Fact-Checking Network, Africa Check,…

Với sự ra đời của Generative AI, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để viết tin đã khiến nhiều học giả và chuyên gia lo ngại về tính chính xác, đáng tin cậy của tin tức. Xu hướng này đặt ra nhu cầu cao hơn trong việc kiểm tra độ xác thực của tin tức, phát triển và ứng dụng các công nghệ cho mục đích xác thực hay phân biệt giữa tin người viết và tin máy viết càng ngày càng trở nên quan trọng hơn [7].

Về phía người đọc, việc xây dựng nội dung đáng tin cậy sẽ củng cố sự tin tưởng của người tiêu thụ đối với nguồn tin tức. Trên đường dài, độc giả sẽ có xu hướng tin tưởng vào các nguồn báo chí được coi là đáng tin cậy và chính xác. Đồng thời, người tiêu thụ thông tin cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy của thông tin. Họ cần phải trở thành những người tiêu dùng thông minh, sử dụng các kỹ năng phân biệt và kiểm tra thông tin một cách kỹ lưỡng.

Đa dạng và yếu tố “trăm nghe không bằng một thấy”

Sự lên ngôi của các sản phẩm truyền thông đa phương tiện, đặc biệt là các sản phẩm có yếu tố hình ảnh và đa phương tiện (visual/ multimedia), là một trong những đặc điểm quan trọng của báo chí trong kỷ nguyên công nghệ 4.0. Trong nền kinh tế báo chí chịu ảnh hưởng của việc sản xuất nội dung ngày càng rẻ, báo chí ngày càng phải đầu tư vào công nghệ mới và sáng tạo trong việc sản xuất nội dung, đặc biệt là những nội dung hình ảnh và các nội dung tương tác để thu hút người đọc.

Với sự cho phép của công nghệ trong thời đại mới, người đọc không còn phụ thuộc vào chữ và ảnh trên báo in mà có thể được dự khán các sự kiện được tổ chức trực tiếp, được xem hình ảnh hay thậm chí là tham gia trực tiếp với những sự kiện cho phép tương tác từ người xem. Sự xuất hiện của các phóng sự ảnh, video trực tiếp (livestream), và Podcast là những sản phẩm hay những tin tức dạng thông báo ngắn hay những tuyên bố trên mạng xã hội như Twitter (mới đổi tên là X) hay Facebook rất được ưa chuộng. Những sản phẩm này không chỉ giúp thu hút độc giả mà còn tạo ra một sự đa dạng trong nội dung báo chí.

Những thay đổi đến từ công nghệ trên đã ảnh hưởng lên cung cầu trong kinh tế báo chí theo hai hướng.

Thứ nhất là tạo ra nhu cầu và cũng như cho phép người tiêu thụ lựa chọn các hình thức thông tin phù hợp với sở thích và lối sống của họ. Người đọc được phép có thể chọn lựa đọc tin tức xem video thú vị trên YouTube đến đọc bài viết chất lượng trên các trang web uy tín, sự đa dạng này mang lại sự linh hoạt và thuận tiện, đồng thời đánh bại giới hạn không gian và thời gian.

Thứ hai, sự đa dạng hóa hình thức truyền tải thông tin và nội dung giúp ra đời các “thị trường ngách” về nội dung thông tin. Ví dụ như các nhóm độc giả nhỏ cùng gu tiêu thụ tin tức. Hiểu và nắm bắt sự hình thành và chuyển động của các thị trường ngách này có thể là điểm khác biệt trong sự sinh tổn trong nền kinh tế báo chí mới. Hơn nữa, đi cùng sự hình thành của các thị trường này là tính cộng đồng và nhu cầu được tham gia của người tiêu thụ tin tức ngày càng cao trong nền kinh tế báo chí hiệu nay.

Cộng đồng

Sự thay đổi lớn trong báo chí hiện đại cũng góp mặt của sự tương tác liên tục của người đọc với nguồn tin và với cộng đồng của họ. Các trang web tin tức và trang mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người đọc để góp ý, phản biện, và nhận xét về các bài viết. Điều này không chỉ thúc đẩy sự tương tác và thảo luận, giúp làm phong phú nội dung thông tin mà còn giúp đóng góp vào yếu tố chính xác đáng tin cậy của thông tin. Đồng thời, việc liên tục của những phản biện và nhận xét giúp cho báo chí định hướng được nội dung để khai thác phù hợp hơn với thị hiếu của bạn đọc.

Ngoài ra, thời đại công nghệ với Internet và các thiết bị di động cho phép người đọc cũng có khả năng chia sẻ nội dung một cách nhanh chóng và dễ dàng trong những nhóm nhỏ và cộng đồng có cùng sự quan tâm. Đây cũng chính là khía cạnh còn lại của xu hướng “tốc độ lan truyền” của báo chí hiện đại.

Những người cùng quan tâm đến thể thao sẽ có xu hướng chia sẻ những tin tức liên quan đến thể thao với nhau nhiều hơn, từ đó tạo dựng thành nhóm, cộng đồng, và cùng nhau thúc đẩy phong trào. Và từ những nhóm nhỏ, những bài viết, video hoặc hình ảnh ấn tượng có thể trở thành viral và lan truyền đến một lượng lớn người đọc trong thời gian ngắn ở mức độ cấp số nhân.

Sự dồi dào về thông tin và việc tiếp cận mở các công cụ khoa học

Sự dồi dào của thông tin và hệ thống mở của các công cụ trước đây chỉ dành riêng cho giới học giả hàn lâm cho phép báo chí có thêm các công cụ thực hiện các bài báo điều tra, đồng thời cũng giúp trải nghiệm của người đọc trở nên phong phú, đa dạng, chất lượng hơn. Đây là các cơ hội về mặt đảm bảo nguồn cung cả về chất lượng và số lượng. Ví dụ, các phương tiện minh họa dữ liệu bằng hình ảnh mở và biến dữ liệu chữ thành hình ảnh như ggplot, tidytext của môi trường ngôn ngữ thống kê mở như R hay Python có thể cho phép người làm báo tạo ra những hình ảnh minh họa dữ liệu có chất lượng cao, sắc nét, và có tính tương tác cao với bạn đọc [8, 9].

Hay như trước kia việc tiếp cận với các kết quả nghiên cứu mới từ giới học giả sẽ là khó khăn hơn do đa phần các bài báo khoa học nằm trong các hệ thống đóng, thì hiện nay với trào lưu Khoa học Mở - Open Science với các hệ thống lưu trữ mở như Open Science Frameworks, Arxiv, Research Gate, Google Scholars, v.v… các nhà báo có thể tải và đọc các nghiên cứu mới ngay từ khi mới được công bố [10,11].

Những thay đổi mới này vừa là cơ hội, cũng là thách thức cho người làm báo trong thời kỳ dồi dào về thông tin. Nếu được đào tạo tốt và có khả năng nắm bắt các công nghệ mới, các cách tiếp cận các hệ thống lưu trữ thông tin mới, và các phương tiện xử lí thông tin, dữ liệu mới, người làm báo có thể tạo ra những bài báo đưa tin chất lượng, có độ tương tác cao mà không tốn quá nhiều chi phí. Điều này cho thấy tầm quan trọng trong việc liên tục cập nhật về công nghệ và các phương tiện xử lí thông tin của người làm báo, đảm bảo khả năng cung cấp thông tin có chất lượng và giá trị cao cho người đọc, qua đó tồn tại và phát triển bền vững trong nền kinh tế báo chí mới.

Kết luận

Sự phát triển ồ ạt của các công nghệ cao như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Generative AI, v.v… đang đặt ra cho nền kinh tế báo chí hiện nay những cơ hội và thách thức mới. Qua những phân tích ở trên, chúng tôi muốn đưa ra các đề xuất sau:

- Khuyến khích đa dạng hóa mô hình kinh doanh báo chí để tạo nguồn thu bền vững: Các cơ quan báo chí cần được khuyến khích thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới như thu phí nội dung số, quảng cáo trực tuyến, tài trợ, cộng tác với các nền tảng công nghệ,... nhằm tạo ra nguồn thu ổn định. Chính phủ có thể ban hành các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế để hỗ trợ các cơ quan báo chí thử nghiệm mô hình mới.

- Tăng cường tính tương tác, cho phép độc giả tham gia góp ý để nâng cao tính cộng đồng: Xây dựng các cộng đồng độc giả xung quanh chủ đề/lĩnh vực cụ thể nhằm tận dụng xu hướng hình thành thị trường ngách.

- Đầu tư nghiên cứu và đào tạo về truyền thông công nghệ để nâng cao năng lực cho đội ngũ làm báo: Khuyến khích các trường đào tạo báo chí đưa môn học về công nghệ mới vào chương trình. Hỗ trợ các chương trình trao đổi, thực tập quốc tế để nâng cao kỹ năng cho đội ngũ làm báo./.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyen, T.T.G. Một số mô hình kinh tế báo chí trên thế giới và gợi mở cho hoạt động kinh tế báo chí ở Việt Nam. Tạp Chí Cộng Sán 2022 [cited 2023 August 3]; Available from: https://tapchicongsan.org.vn/w.../2018/825305/mot-so-mo-hinh-kinh-te-bao-chi-tren-the-gioi-va-goi-mo-cho-hoat-dong-kinh-te-bao-chi-o-viet-nam-hien-nay.aspx

2. Hidalgo, C.A., Why Information Grows: The Evaluation of Order from Atoms to Economics. 2015: Allen Lane: Penguin Books.

3. Lewis, S.C. and O. Westlund, Big Data and Journalism. Digital Journalism, 2015. 3(3): p. 447-466.

4. O’Brien, D., C.-M. Wellbrock, and N. Kleer, Content for Free? Drivers of Past Payment, Paying Intent and Willingness to Pay for Digital Journalism – A Systematic Literature Review. Digital Journalism, 2020. 8(5): p. 643-672.

5. Lazer, D.M.J., et al., The science of fake news. Science, 2018. 359(6380): p. 1094-1096.

6. Ho, M.T. and H.-K.T. Nguyen, From the eco-calypse to the infocalypse: The importance of building a new culture for protecting the infosphere. AI & SOCIETY, 2023. (Forthcoming).

7. Simon, F.M., Uneasy Bedfellows: AI in the News, Platform Companies and the Issue of Journalistic Autonomy. Digital Journalism, 2022. 10(10): p. 1832-1854.

8. Vuong, Q.-H., et al., Improving Bayesian statistics understanding in the age of Big Data with the bayesvl R package. Software Impacts, 2020. 4: p. 100016.

9. Flew, T., et al., The promise of computational journalism. Journalism practice, 2012. 6(2): p. 157-171.

10. Ho, M.-T., M.-T. Ho, and Q.-H. Vuong Total SciComm: A Strategy for Communicating Open Science. Publications, 2021. 9, DOI: 10.3390/publications9030031.

11. Vuong, Q.-H., et al., An open database of productivity in Vietnam’s social sciences and humanities for public use. Scientific Data, 2018. 5(1): p. 180188.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2023)

Nguồn tin: ictvietnam.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây