- Một phiên livestream bán hơn 2.000 cuốn... 22:18 | 31/03/2024
- Thành phố Thủ Đức sẽ có đường sách từ... 22:55 | 17/12/2023
- Báo chí số là gì và các lợi ích? 22:50 | 17/12/2023
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Nêu một số lĩnh vực trọng tâm, người đứng đầu Chính phủ đề nghị Nhật Bản hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn; khảo sát, khai thác, chế biến, sản xuất các nguyên vật liệu mới.
Thủ tướng đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ vốn và nâng cao năng lực quản trị để Việt Nam phát triển các lĩnh vực này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam trong khảo sát, xây dựng, cung cấp ODA thế hệ mới cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.
Đánh giá cao kết quả kỳ họp lần thứ 6, Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng mà Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Nishimura Yasutoshi vừa đồng chủ trì, Thủ tướng đề nghị hai bên sớm triển khai có hiệu quả các nội dung được nêu trong tuyên bố chung kỳ họp.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu đến đầu tư, hợp tác tại Việt Nam vì phát triển bền vững và lợi ích của cả hai bên.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutoshi nhấn mạnh, Nhật Bản mong muốn hai bên tập trung xây dựng và triển khai các dự án "đầu tàu", là biểu tượng cho hợp tác công nghiệp giữa hai nước, mang tính dẫn dắt trong các lĩnh vực mũi nhọn, các ngành hướng tới tương lai. Trong đó có sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo, công nghệ sinh học, công nghiệp dược và chăm sóc sức khỏe, chế biến thủy hải sản…
Nhật Bản cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam trong việc khảo sát, khai thác, chế biến đất hiếm và phát triển các ngành công nghiệp liên quan.
Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ ODA lớn nhất, đứng thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại.
Giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương ngày càng được mở rộng với gần 100 cặp địa phương có quan hệ hữu nghị hợp tác. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đạt gần 500.000 người, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại Nhật Bản.
Thủ tướng hoan nghênh việc hai bên lập các tổ công tác để thúc đẩy hợp tác; nhấn mạnh cần giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành để xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể để triển khai các thỏa thuận đã đạt được.
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn