Phấn đấu mỗi quân nhân là một chiến sĩ văn hóa

Thứ ba - 03/10/2023 09:58
Chăm lo xây dựng môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh, giàu tính giáo dục sẽ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội.

Đây cũng là nội dung quan trọng nhằm thực hiện tốt mục tiêu xây dựng con người mới trong Quân đội, làm đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Đại tá Khúc Thành Dư, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, là đơn vị đóng quân trên đất mỏ anh hùng và tự hào về truyền thống vẻ vang của LLVT Quân khu 3, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng những nội dung gì để bồi đắp văn hóa đất mỏ, văn hóa quân sự?

Đại tá Khúc Thành Dư: Để bồi đắp các giá trị văn hóa, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh quan tâm chăm lo xây dựng môi trường văn hóa. Đặc biệt, đơn vị chú trọng việc rèn luyện bộ đội có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức trong sáng, nếp sống chính quy, góp phần làm sáng tỏ thêm truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của quân và dân đất mỏ anh hùng. LLVT tỉnh luôn quán triệt và thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”, Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và nhất là xây dựng hình ảnh người quân nhân cách mạng hòa quyện với những nét đặc trưng của con người Quảng Ninh “Năng động-sáng tạo-hào sảng-lành mạnh-văn minh-thân thiện”. Chính vì thế, các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh thực sự trở thành mái nhà chung cho mỗi cán bộ, chiến sĩ học tập, rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng hoàn thiện bản thân, là điểm sáng về xây dựng môi trường văn hóa quân sự trên địa bàn, góp phần cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh ngày càng vững chắc.
 

Phấn đấu mỗi quân nhân là một chiến sĩ văn hóa

Đại tá Khúc Thành Dư. 

 

PV: Theo đồng chí, trong xây dựng môi trường văn hóa, việc phát huy vai trò của cán bộ, chiến sĩ phấn đấu, rèn luyện theo tiêu chuẩn con người mới Việt Nam, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới có ý nghĩa như thế nào?

Đại tá Khúc Thành Dư: Tôi có thể nêu một ví dụ nhỏ nhưng có ý nghĩa thiết thực đó là việc các đơn vị duy trì nền nếp theo dõi “sổ hồng” ghi việc làm tốt, “sổ nâu” ghi việc làm chưa tốt của cán bộ, đảng viên, sau đó được công khai trước chi bộ hằng tháng. Việc làm đó đã kịp thời cổ vũ, biểu dương người tốt, việc tốt, phê bình những hành động chưa đẹp, chưa đúng chuẩn mực trong cơ quan, đơn vị, từ đó phát huy vai trò tự tu dưỡng, tự rèn luyện, phấn đấu trong hoàn thiện bản thân, thi đua trong công tác. Nhờ vậy, nhiều việc làm cụ thể, ý nghĩa được thực hiện bởi tâm sức của bộ đội.

Chẳng hạn, các đơn vị trong LLVT tỉnh chủ động đi đầu trong ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh, góp phần giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh thực hiện nhiều mô hình hiệu quả như: Cán bộ, hội viên phụ nữ miệng nói lời hay, tay làm việc tốt; nuôi lợn đất, chia sẻ yêu thương; phụ nữ giao tiếp, ứng xử văn minh... Đoàn viên, thanh niên phát huy tốt vai trò xung kích với các phong trào hành động tiêu biểu như: Vượt nắng, thắng mưa, say sưa luyện tập; sĩ quan trẻ nêu gương, tình thương, kỷ cương, trách nhiệm; tuổi trẻ với mùa xuân biên giới; thanh niên tình nguyện xây dựng nông thôn mới...

Phấn đấu mỗi quân nhân là một chiến sĩ văn hóa

Hoạt động văn hóa-văn nghệ được tổ chức trong chương trình tọa đàm sĩ quan trẻ, tạo khí thế phấn khởi cho bộ đội.
 Ảnh: VĂN ĐẢM 


PV: Phát huy tốt hệ thống thiết chế văn hóa sẽ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội. Nội dung đó được Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh đầu tư xây dựng, tổ chức thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả cao, thưa đồng chí?

Đại tá Khúc Thành Dư: Những năm qua, đơn vị tập trung xây dựng doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp. Tỉnh Quảng Ninh đầu tư hơn 400 tỷ đồng để xây mới, nâng cấp sở chỉ huy, nhà làm việc cơ quan và hội trường Bộ CHQS tỉnh. 13 ban CHQS huyện, thị xã, thành phố được quan tâm xây mới, nâng cấp doanh trại. Trong khuôn viên đơn vị, biển bảng, pa-nô tuyên truyền cổ động, bồn hoa, cây cảnh được chỉnh trang, tạo cảnh quan, môi trường chính quy, thống nhất, sạch, đẹp. Hệ thống thiết chế văn hóa gồm nhà truyền thống, thư viện, phòng Hồ Chí Minh, phòng đọc, hoạt động sách báo, tủ sách pháp luật của đơn vị được duy trì thành nền nếp...

PV: Phải chăng LLVT tỉnh Quảng Ninh quan tâm chăm lo xây dựng văn hóa quân dân là cách để văn hóa Bộ đội Cụ Hồ thấm sâu vào nhân dân, để mỗi quân nhân là một chiến sĩ văn hóa, thưa đồng chí? 

Đại tá Khúc Thành Dư: Đúng vậy! Quân đội là một bộ phận của xã hội. Việc xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội luôn gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở địa phương. Chính vì vậy, Bộ CHQS tỉnh luôn quan tâm tổ chức thực hiện bảo đảm phù hợp với đặc thù hoạt động của đơn vị và tình hình địa phương nhằm đưa văn hóa Đảng, văn hóa quân sự đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Mỗi quân nhân trong LLVT tỉnh luôn phấn đấu là một chiến sĩ văn hóa, mỗi gia đình quân nhân là một gia đình văn hóa, khu tập thể quân nhân trở thành khu dân cư văn hóa...

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguồn tin: www.qdnd.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây