- Một phiên livestream bán hơn 2.000 cuốn... 09:18 | 01/04/2024
- Thành phố Thủ Đức sẽ có đường sách từ... 10:55 | 18/12/2023
- Báo chí số là gì và các lợi ích? 10:50 | 18/12/2023
Đây là nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung vào Chương trình Kỳ họp thứ Sáu sau khi cân nhắc, kỹ lưỡng nhiều mặt và trên cơ sở kết quả chuẩn bị của Chính phủ. Trong tình huống này, chắc chắn là lợi ích của quốc gia đã được đặt lên hàng đầu.
Được thực thi từ đầu năm tới, thuế tối thiểu toàn cầu là sáng kiến của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhằm ngăn chặn các hành vi làm xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận. Khoảng 163 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã đồng thuận với giải pháp này. Theo đó, các công ty có doanh thu toàn cầu từ 750 triệu euro trở lên sẽ bị áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu ở mức 15%. Các công ty đang hưởng thuế suất thấp hơn mức 15% tại quốc gia đầu tư sẽ phải nộp bổ sung khoản chênh lệch tại “nước mẹ” - nơi đặt trụ sở chính.
Theo nguyên tắc đã công bố, các quốc gia có thể không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu nhưng buộc phải công nhận các quy định thuế tối thiểu toàn cầu mà quốc gia khác áp dụng. Hiện tại, nhiều nước đã nội luật hóa các quy định này để áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024. Nếu không tuyên bố áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trước ngày 1.1.2024, Việt Nam sẽ mất quyền thu thuế, trong khi môi trường đầu tư vẫn bị ảnh hưởng bởi các doanh nghiệp nước ngoài không được ưu đãi. Dựa trên số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, Chính phủ dự kiến có khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu với tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp bổ sung là 14.600 tỷ đồng.
Đặt trong bối cảnh như vậy, sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đã rất rõ. Có thể nói, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội xem xét thông qua nội dung này ngay trong Kỳ họp thứ Sáu chính là một cơ chế phản ứng nhanh để bảo vệ quyền đánh thuế thay vì nhường quyền đánh thuế cho các quốc gia khác.
Khi thẩm tra dự thảo Nghị quyết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, cần thiết phải ban hành một văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế thu nhập cá nhân có thể kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam thay vì để nộp về nước mẹ.
Mặt khác, việc sớm ban hành Nghị quyết cũng thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ 1.1.2024, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam. Thực tế thì từ đầu năm nay, cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã rất trông đợi một tuyên bố chính thức rằng Việt Nam sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để họ chủ động tính toán kế hoạch đầu tư, kinh doanh.
Nội luật các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu là việc khó và phức tạp. Vì vậy cũng dễ hiểu khi dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét - đã được Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ trong báo cáo thẩm tra và sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận, góp ý hoàn thiện.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, tuyên bố áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu mới chỉ là bước khởi đầu. Hành trình tiếp theo rất quan trọng và cũng rất phức tạp khi Việt Nam phải tính toán và thực thi hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp nhằm bảo đảm vị thế cạnh tranh thu hút đầu tư. Trong cuộc chơi thuế tối thiểu toàn cầu, mỗi quốc gia đều có sự tự chủ nhưng đều phải chủ động để bảo về quyền lợi của chính mình vì không có cách nào để đứng ngoài cuộc.
Nguồn tin: daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn