Số hóa các trang báo Văn nghệ xưa để công chúng dễ dàng tiếp cận

Thứ sáu - 27/10/2023 00:25
Báo Văn nghệ thay vì chỉ làm tốt hơn trang báo điện tử hiện nay thì nên làm thế nào để số hóa những trang báo Văn nghệ in ngày xưa, qua đó giúp bạn đọc ngày nay tiếp cận một cách dễ dàng.

Sáng ngày 26/10 tại Hà Nội, báo Văn nghệ đã tổ chức lễ kỷ niệm 75 ngày ra số báo Văn nghệ đầu tiên.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Thư chúc mừng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Tham dự lễ kỷ niệm có gần 400 khách mời là lãnh đạo các cơ quan Trung ương, Hội Nhà văn Việt Nam; các nhà văn, bạn viết; nguyên cán bộ lãnh đạo, nhân viên từng công tác tại báo Văn nghệ cùng các phóng viên, biên tập viên, nhân viên tại tòa soạn.

tc.jpg

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 75 ngày ra số báo Văn nghệ đầu tiên

Là diễn đàn văn hoá, văn học nghệ thuật của cả nước

Cách đây 75 năm về trước, vào tháng 3/1948, tại thôn Gia Điền, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ, Tạp chí Văn nghệ, tiền thân của báo Văn nghệ hôm nay, tiếng nói của Văn nghệ sĩ kháng chiến kiến quốc đã ra đời.

Trong suốt chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ những người làm báo Văn nghệ, cùng với đội ngũ CTV trong và ngoài nước, luôn thực hiện đúng và ngày càng tốt hơn tôn chỉ mục đích, tư tưởng và ước mơ ban đầu của những người sáng lập, xứng đáng là diễn đàn quan trọng về văn hoá, văn học nghệ thuật của nước ta, xứng đáng với sự tin cậy của bạn viết và bạn đọc trong và ngoài nước.

Trong Thư chúc mừng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Suốt 75 năm xây dựng và phát triển, kể từ ngày ra số đầu tiên đến nay, làm theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, vượt qua bao gian khổ, ác liệt của các cuộc chiến tranh và những khó khăn, thách thức của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, báo Văn nghệ đã có nhiều cố gắng, nỗ lực phấn đấu, trưởng thành về mọi mặt, với nhiều ấn phẩm có chất lượng, nhiều cây bút có tên tuổi được bạn đọc quý mến.

Báo Văn nghệ là một trong những địa chỉ tiêu biểu của nền báo chí cách mạng nước nhà luôn luôn đồng hành cùng những chặng đường vẻ vang của Đảng, của dân tộc, góp phần cùng các cơ quan báo chí trong nước hoàn thành tốt trọng trách của báo chí cách mạng Việt Nam”.

Trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang, báo Văn nghệ không chỉ mang những thành tựu sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ, các nghệ sĩ đến với nhân dân, mà còn là diễn đàn trao đổi học thuật, đưa đường lối văn nghệ của Đảng đến với các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, đồng thời là cầu nối để giới văn nghệ đóng góp ý kiến, thể hiện sự sáng tạo, tinh thần trách nhiệm đối với sự phát triển văn hóa dân tộc, cũng như đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, chấn hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong thư, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương và chúc mừng những thành tích của những người làm báo Văn nghệ.

Đồng thời, Tổng Bí thư cũng bày tỏ tin tưởng và mong rằng: “Dưới ánh sáng của các nghị quyết của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhất định những người làm báo Văn nghệ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang 75 năm qua, đoàn kết, ra sức học tập, rèn luyện, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ để có nhiều hơn nữa những tác phẩm báo chí có giá trị cao, xứng đáng là một trong những cơ quan báo chí trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Chưa từng lỗi hẹn với bạn đọc, bạn viết của mình

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng Biên tập báo Văn nghệ cho biết: Kể từ ngày ra đời số báo đầu tiên tại xã Gia Điền, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, tới ngày hôm nay Báo Văn nghệ đã đi được một chặng đường dài trọn vẹn 75 năm với biết bao thăng trầm, gian lao.

“Trong 75 năm ấy dù trong hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo tới đâu Tạp chí Văn nghệ và sau đó là báo Văn nghệ cũng chưa từng lỗi hẹn với bạn đọc, bạn viết của mình. Trong tiến trình xây dựng và trưởng thành, là một tờ báo có chức năng đấu tranh, bảo vệ những quan điểm đường lối của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng nền văn hoá mới tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngoài việc tuyên truyền quảng bá góp phần đưa các chủ trương chính sách về văn hoá của Đảng đi vào cuộc sống, báo Văn nghệ cũng đã từng trải qua những cuộc thảo luận, tranh luận, đấu tranh tư tưởng rất nghiêm túc và quyết liệt về cả tư tưởng chính trị, lý tưởng xã hội và các xu hướng trào lưu văn hoá nghệ thuật khác nhau trên thế giới”, Tổng Biên tập Khuất Quang Thụy chia sẻ.

tbt.jpg

Nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng Biên tập báo Văn Nghệ phát biểu

Nhà văn Khuất Quang Thụy nhấn mạnh, trong các cuộc tranh luận, đấu tranh tư tưởng đó, báo Văn nghệ luôn nhận được sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các học giả, các nhà nghiên cứu về tư tưởng, triết học về văn hoá và văn học nghệ thuật; được sự sự ủng hộ rộng rãi của các văn nghệ sĩ và bạn viết, bạn đọc trong và ngoài nước.

“Chính vì vậy, tờ báo thực sự đã trở thành một diễn đàn rất quan trọng của đất nước về về văn hoá, văn học nghệ thuật, về lí tưởng xã hội và nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị văn hoá, con người Việt Nam”, nhà văn Khuất Quang Thụy khẳng định.

Không bị “bỏ lại phía sau" trong một cuộc cách mạng số

Nhà văn Khuất Quang Thụy cũng cho biết, ngoài việc luôn giữ vững định hướng, tôn chỉ mục đích, báo Văn nghệ còn có một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là nơi tập hợp đội ngũ các văn nghệ sĩ trong cả nước, tuyển chọn và công bố các tác phẩm chất lượng cao, những tác phẩm có xu hướng đổi mới sang tạo, để hỗ trợ khích lệ đội ngũ những nhà văn nhà thơ, nghệ sĩ nhà nghiên cứu văn hoá văn học nghệ thuật trên con đường tìm tòi sáng tạo của họ.

Năm 1995, báo Văn nghệ cho xuất bản thêm tờ Phụ san Văn nghệ Trẻ và Văn nghệ Dân tộc & Miền núi, mở rộng diễn đàn, có thêm không gian cho các cây bút, nhất là các cây bút Trẻ vùng đồng bào dân tộc và cả nước.

Chỉ trong thời gian ngắn phụ trang Văn nghệ Trẻ, Văn nghệ Dân tộc & Miền núi của báo Văn nghệ đã trở thành những ấn phẩm báo chí có uy tín phát hành mỗi số hàng chục ngàn bản. Trên các ấn phẩm này cũng liên tiếp xuất hiện những bài bút ký phóng sự phản ánh hiện thực sôi động của công cuộc đổi mới trên khắp đất nước, trong đó có không ít những tiếng nói phản biện phản ánh những tiêu cực, những lực cản đang còn tồn tại đâu đó trong xã hội, cản trở sự phát triển lành mạnh của sự nghiệp đổi mới.

Từ năm 2016, báo Văn nghệ đã xây dựng nền tảng của mình trên không gian mạng bằng việc xây dựng và đưa vào vận hành thành công báo Văn nghệ điện tử và chuyên trang Văn nghệ Trẻ điện tử tại địa chỉ: baovannghe.com.vn; baovannghe.vn.

Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn về cả nhân sự, tài chính và các yếu tố kỹ thuật công nghệ nhưng sự ra đời báo Văn nghệ điện tử đã mở ra một trang mới trong quá trình xây dựng và trưởng thành của báo Văn nghệ.

“Trong thời đại kỷ nguyên số, chuyển đổi số (CĐS) trong các cơ quan báo chí đang được tiến hành quyết liệt thì việc báo Văn nghệ sớm có các nền tảng số trên không gian mạng và từng bước thực hiện việc CĐS trong mọi mặt công tác của toà soạn, là nhiệm vụ trọng tâm mà báo Văn nghệ đang tiến hành, kiên quyết không bị “bỏ lại phía sau “ trong một cuộc cách mạng mới đang diễn ra trên đất nước”, Tổng biên tập Khuất Quang Thụy nhấn mạnh.

Số hóa những trang báo Văn nghệ in ngày xưa giúp bạn đọc ngày nay tiếp cận một cách dễ dàng

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, vừa qua, chúng ta kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hoá Việt Nam. Bản Đề cương văn hoá năm 1943 được ví như bản cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hoá và cách mạng; có ý nghĩa mở đường, khai sáng cho cách mạng Việt Nam, trước hết là trong lĩnh vực tư tưởng và văn hoá, định hình những quan điểm, những nguyên tắc cơ bản cho nhiệm vụ đưa văn hoá Việt Nam thực sự trở thành một nguồn sức mạnh nội sinh, góp phần quan trọng đưa cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi trên từng chặng đường.

"Văn hóa văn nghệ là vũ khí để chúng ta giải phóng dân tộc, góp phần đưa đất nước vượt qua tất cả những khó khăn thử thách, gian lao và qua nhiều cuộc kháng chiến giành được độc lập, giải phóng đất nước cho đến ngày nay".

tt-lam.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu

“Thế hệ chúng tôi là thế hệ trung niên, lớn lên với những bài báo ở hai ấn phẩm Văn nghệ và tạp chí Văn nghệ Quân đội còn in đậm trong tâm khảm. Những năm tháng huy hoàng của Báo Văn nghệ cũng là những năm tháng trên văn đàn rất nhiều những tác phẩm, bài văn, bài thơ nổi tiếng”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, thời đó thường không phân biệt báo và sách, giữa báo và sách thì việc tiếp cận với sách dễ dàng hơn. Chính vì vậy, đã tạo cho báo Văn nghệ qua các thời kỳ vị thế vô cùng đặc biệt. Sự đón chờ của độc giả cả tuần đối với ấn phẩm tuần báo Văn nghệ đã ăn sâu vào rất nhiều gia đình.

Sau đó với sự phát triển của xã hội, với sự chuyên nghiệp hóa thì sách là sách và báo là báo. Những năm gần đây phần nào chúng ta thấy được cách thức khi mà những trang báo chủ yếu chỉ còn tập trung đưa thông tin, ít khi đọng lại nhiều tri thức, những nỗi niềm cảm xúc, trăn trở đối với bạn đọc.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN (AMRI) 16 diễn ra mới đây tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra thông điệp: Báo chí gắn kết, kết nối lại đường dây tri thức nhằm mang lại những giá trị cao hơn, trao những quyền lớn hơn cho người đọc qua các thế hệ.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ, truyền thống vẻ vang của báo Văn nghệ là sức nặng và sức ép đối với thế hệ làm báo Văn nghệ ngày nay khi mà “tương lai và những năm tháng sắp tới không nhất thiết là một đường thẳng kéo dài của quá khứ. Những việc mà chúng ta làm tốt cho quá khứ không có nghĩa là ngày nay chúng ta có đủ điều kiện, hoàn cảnh để làm khi mà thói quen đọc, xem, nghe của độc giả đã hoàn toàn thay đổi”.

Không gian biểu đạt của các văn nghệ sĩ đã vô cùng rộng lớn so với ngày xưa, không còn giới hạn trên một tờ báo. Có nhiều phương thức nghệ sĩ tìm đến với độc giả, khan, thính giả.

Vì vậy, từ góc độ quản lý Nhà nước về báo chí, Bộ TT&TT có trách nhiệm một phần trong việc phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiền đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với văn học nghệ thuật, được thể hiện rất rõ trong Thư chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi, giúp báo Văn nghệ đổi mới, phát triển như những năm tháng huy hoàng của mình.

Nói về CĐS báo Văn nghệ, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, thay vì chỉ làm tốt hơn trang báo điện tử hiện nay thì nên làm thế nào để số hóa những trang báo Văn nghệ in ngày xưa, qua đó giúp bạn đọc ngày nay tiếp cận một cách dễ dàng. Nhờ đó những bài báo ngày xưa được tỏa sáng một lần nữa trên không gian số.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng tri ân các thế hệ làm báo Văn nghệ qua các thời kỳ và chúc cho báo ngày càng phát triển.

ra-mat-giao-dien-dien-tu.jpg

Các đại biểu khai trương ra mắt giao diện báo Văn nghệ điện tử và báo Văn nghệ Trẻ điện tử

Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 75 năm Ngày báo Văn nghệ ra số đầu tiên, Ban biên tập báo Văn nghệ ra mắt giao diện báo Văn nghệ điện tử tại địa chỉ: baovannghe.com.vn; baovannghe.vn và ra mắt báo Văn nghệ Trẻ điện tử, tại địa chỉ: vannghetre.com.vn và vannghetre.vn./.

Nguồn tin: ictvietnam.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây