- Một phiên livestream bán hơn 2.000 cuốn... 22:18 | 31/03/2024
- Thành phố Thủ Đức sẽ có đường sách từ... 22:55 | 17/12/2023
- Báo chí số là gì và các lợi ích? 22:50 | 17/12/2023
So với giai đoạn 2016 - 2020, thì kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua vào tháng 7.2021, sớm hơn gần 1 năm. Việc Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn đã tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương bắt tay thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ, góp phần triển khai đồng bộ kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, qua đó, giúp nền kinh tế từng bước phục hồi và phát triển.
Qua thực tiễn triển khai cho thấy, việc lập, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển được giám sát chặt chẽ, bảo đảm công khai và minh bạch hơn. Kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công đã được tăng cường, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công. Vốn đầu tư công được bố trí tập trung hơn, tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán. Nguồn vốn đầu tư công đã tập trung bố trí các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt, bố trí vốn tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua giám sát thực tế và báo cáo của các bộ, ngành, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn trung hạn quá chậm. Qua 3 năm (2021 - 2023), dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhiều lần trước khi giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhưng vẫn còn 7% kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa được giao do các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, dẫn đến kéo dài thời gian giao vốn, ảnh hưởng tiến độ thực hiện giải ngân và hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Ngoài ra, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia được phân bổ, giao vốn chậm. Một số nội dung thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia chưa có đầy đủ văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, dẫn đến các địa phương phải chờ hướng dẫn, lúng túng trong triển khai thực hiện. Vướng mắc, tồn tại này cũng được nhiều đại biểu chỉ ra khi Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia vừa qua.
Điều đáng nói, tình trạng cũ lại vẫn tiếp diễn, đó là công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện, và giao nhiều lần trong năm 2021, 2022 dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao. Công tác chuẩn bị dự án đầu tư vẫn được nhận định là một khâu yếu, chưa được giải quyết triệt để. Vẫn còn tình trạng khi có vốn mới tiến hành chuẩn bị đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định dự án không thực hiện đúng quy định Luật Đầu tư công. Chính điều này dẫn đến “vốn chờ dự án đủ thủ tục” tiếp tục diễn ra, ảnh hưởng lớn tới tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn, tổ chức thực hiện.
Xảy ra tình trạng "vốn chờ dự án đủ thủ tục" có nguyên nhân từ việc chuẩn bị, lựa chọn dự án chưa tốt, dự án chưa thực sự cấp thiết. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ các bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đến việc sử dụng kinh phí của kỳ kế hoạch này để chuẩn bị cho dự án của kỳ kế hoạch sau, không có sự đồng bộ giữa tiến độ chuẩn bị dự án với tiến độ giao kế hoạch chi tiết. Việc chất lượng chuẩn bị dự án thấp dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, gây lãng phí nguồn lực.
Theo đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, hiệu quả vốn đầu tư công, cần sớm chấm dứt tình trạng "vốn chờ dự án đủ thủ tục". Muốn vậy, cần sớm hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư dự án. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các nghị quyết của Quốc hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công. Đặc biệt, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công. Xử lý nghiêm tình trạng cố tình để xảy ra “vốn chờ dự án đủ thủ tục” vì lý do chủ quan.
Nguồn tin: daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn