Tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng và các "đầu tàu" của nền kinh tế

Thứ hai - 23/10/2023 15:57
"Cần tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); quan tâm thúc đẩy phục hồi và đẩy mạnh các đầu tầu tăng trưởng của nền kinh tế", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh khi trình bày Báo cáo thẩm tra trước Quốc hội sáng nay. 

 

Tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng và các

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tóm tắt của Ủy ban Kinh tế thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Ảnh: Hồ Long

Tiếp tục chương trình làm việc sáng nay, 23.10, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tóm tắt của Ủy ban Kinh tế thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả

Trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần quan tâm, tập trung đánh giá kỹ hơn một số vấn đề sau:

Thứ nhất, ước cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (năm 2022 có 2/15 chỉ tiêu không đạt), trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt năm thứ 3 liên tiếp. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Xuất khẩu hàng hóa 9 tháng giảm 8,2% so với cùng kỳ, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục giảm sâu, các thị trường xuất khẩu lớn giảm hoặc tăng rất thấp. Xuất siêu tăng chủ yếu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm (13,9% so với cùng kỳ), cho thấy nhu cầu đầu vào cho sản xuất tiếp tục chậm lại. Tiêu dùng phục hồi chưa vững chắc, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm dần qua các quý.

Thứ hai, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp , việc ban hành thông tư, quy chuẩn kỹ thuật còn bất cập gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Tiến độ lập, triển khai các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã có những kết quả tích cực (90/110 quy hoạch đã được thẩm định) nhưng vẫn chậm so với yêu cầu, gây áp lực cho công tác phê duyệt, quyết định quy hoạch trong những tháng cuối năm (đến nay mới có 16/39 quy hoạch ngành quốc gia và 14/63 quy hoạch tỉnh được phê duyệt, quyết định).

Tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng và các

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khoá XV. Ảnh: Quang Khánh

Thứ ba, nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng tăng trưởng tín dụng đến ngày 29.9.2023 chỉ tăng 6,92%. Ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát còn tiềm ẩn rủi ro khi lạm phát đã có dấu hiệu đảo chiều trong 3 tháng gần đây. Mặt bằng lãi suất tại Việt Nam giảm trong khi lãi suất tại Mỹ vẫn cao, tạo áp lực lớn lên tỷ giá.

Thứ tư, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí sản xuất, chi phí logistics tăng cao; sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước lỏng lẻo, thiếu gắn kết. Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao với 135,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng.

Thứ năm, quy mô thu ngân sách có xu hướng thu hẹp so với giai đoạn trước; việc giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp còn chậm và có vướng mắc từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trong ngành thuế. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ nhưng còn 17 Bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân dưới 10%; giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia đạt 46,77% kế hoạch. Tuy nhiên, số giải ngân bao gồm các số chuyển nguồn từ năm trước chuyển sang năm 2023, số tăng thu bổ sung dự toán năm 2023 nên thực chất tỷ lệ thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2023 thấp hơn mức Chính phủ báo cáo. Vấn đề chậm giải ngân cần phải được làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để sớm khắc phục.

Thứ sáu, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương còn một số vấn đề cần quan tâm. Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được khắc phục triệt để.

Thứ bảy, lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, thông tin và truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo còn một số khó khăn, vướng mắc, cần được quan tâm. Nguồn lực đầu tư cho văn hóa, giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ chế quản lý, khai thác, vận hành các thiết chế văn hóa, thể thao của Nhà nước còn bất cập. Tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc, thiếu trường, lớp học, thiếu trang thiết bị dạy học diễn ra ở một số nơi. Việc thực hiện sách giáo khoa, chương trình mới, chế độ, chính sách cho giáo viên còn nhiều bất cập.

Tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng và các

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khoá XV. Ảnh: Lâm Hiển

Trong bối cảnh thế giới và trong nước đặt ra nhiều thách thức đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách vĩ mô khác, Ủy ban Kinh tế cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế vừa qua là do tác động, ảnh hưởng nặng nề của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế tích tụ trong thời gian dài chưa được xử lý dứt điểm, trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Cùng với đó là công tác dự báo chưa sát, vai trò quản lý nhà nước, phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn bị động; hiệu quả chính sách có độ trễ. Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu; chậm phản ứng chính sách đối với các biến động của nền kinh tế.

Trong những tháng cuối năm 2023, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); quan tâm thúc đẩy phục hồi và đẩy mạnh các đầu tầu tăng trưởng của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực và hoạt động của các thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023.

Tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập gắn với định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng

Về dự kiến kế hoạch năm 2024, Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các định hướng lớn, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho cả năm 2024 như Báo cáo của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ; đánh giá kỹ hơn việc lập dự toán NSNN, cân nhắc xây dựng dự toán thu NSNN tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển và giảm bớt bội chi; nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị.

Tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng và các

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khoá XV. Ảnh: Lâm Hiển

Về nhiệm vụ, giải pháp, Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế - xã hội được nêu ra trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, báo cáo của Chính phủ và phải gắn với định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có: tăng cường năng lực nội sinh, củng cố nền tảng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế; tăng cường vai trò của chính sách tài khóa đối với hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; khắc phục tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng kế hoạch để tổ chức và triển khai thực hiện có hiệu quả các luật, nghị quyết đã được Quốc hội ban hành; chuẩn bị sớm, bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024...

Nguồn tin: daibieunhandan.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây