Thị trường hàng hoá ngày 18/8: Dầu thô hồi phục sau 3 ngày lao dốc liên tiếp

Thứ năm - 18/08/2022 14:10
Thị trường hàng hoá thế giới có sự phân hoá mạnh khiến sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá. Chỉ số MXV- Index biến động không đáng kể.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lực mua tập trung chủ yếu ở nhóm Năng lượng với sự phục hồi của các mặt hàng xăng dầu. Trong khi đó, thị trường kim loại chịu lực bán tháo trước các thông tin vĩ mô tương đối tiêu cực.

Lực bán áp đảo trên thị trường kim loại

Kết thúc ngày giao dịch 17/08, sắc đỏ cho thấy xu hướng giảm chiếm ưu thế trên bảng giá kim loại. Bạc đánh mất mốc 20 USD/pound với mức giảm 1,76%, dẫn đầu đà giảm trong nhóm kim loại quý. Bạch kim nối dài đà suy yếu sang ngày thứ 3, giảm 1,29% xuống còn 919,3 USD/ounce.

Thị trường hàng hoá ngày 18/8: Dầu thô hồi phục sau 3 ngày lao dốc liên tiếp


Biên bản họp lãi suất tháng 7 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chỉ ra rằng các quan chức đều đồng tình về việc sẽ không rút lui trong tiến trình tăng lãi suất cho đến khi lạm phát được kiểm soát một cách ổn định. Mặc dù không đưa ra những gợi ý cụ thể về mức tăng vào tháng 9, thị trường cho rằng 50 điểm cơ bản nhiều khả năng sẽ được bổ sung trong cuộc họp này. Quyết tâm tiếp tục hạ nhiệt lạm phát của FED trong biên bản đã khiến đồng USD phục hồi và gây áp lực tới giá bạc và bạch kim trong phiên.

Bên cạnh đó, dữ liệu quan trọng về tiêu dùng phản ánh bởi doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng 7 cho thấy sự suy yếu khi không thay đổi sau mức tăng 0.8% vào tháng 6, trong khi kỳ vọng của thị trường là 0,1% đã làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng chậm lại. Điều này có thể khiến nhu cầu hàng hoá kim loại quý với vai trò hàng hóa xa xỉ như trang sức hoặc vai trò quan trọng như công nghiệp suy yếu, gây áp lực đến giá.

Thị trường hàng hoá ngày 18/8: Dầu thô hồi phục sau 3 ngày lao dốc liên tiếp


Trên thị trường kim loại cơ bản, giá đồng COMEX và quặng sắt đều suy yếu do sức ép từ các yếu tố vĩ mô. Kết thúc phiên, giá đồng COMEX giảm 1,13% xuống mức 3,58 USD/pound, trong khi giá quặng sắt lao dốc 3,77% xuống sát mốc 100 USD/tấn. Bên cạnh những lo ngại về mức lãi suất tăng cao hơn và dữ liệu tiêu dùng suy yếu làm dấy lên lo ngại suy thoái và gây áp lực đến giá, tình trạng cắt điện tại Trung Quốc do nắng nóng kỷ lục cũng đã gây ảnh hưởng đáng kể tới nhu cầu đầu vào đối với kim loại cơ bản. Theo đó, điện năng quá tải do nhiệt độ tăng cao khiến nhiều nhà máy luyện đồng và thép phải đóng cửa do chính sách phân bổ điện năng. Gần 20 nhà máy thép ở các khu vực phía tây nam của Trung Quốc đã phải tạm ngừng hoạt động kể từ hôm thứ Tư. Điều đó làm hạn chế nhu cầu tiêu thụ đồng thô và quặng sắt tại các nhà máy luyện và là yếu tố khiến cho giá hai mặt hàng này suy yếu trong phiên.

Giá dầu thô phục hồi

Giá dầu tăng trở lại trong ngày giao dịch hôm qua 17/08, khi thị trường đón nhận các thông tin tích cực từ báo cáo thị trường dầu hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA. Chốt phiên, giá WTI tăng 1,83% lên 88,11 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1,31% lên 93,56 USD/thùng.

Dầu thô phục hồi trong phiên sáng nhờ lực bắt đáy, sau khi giá đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng. Trong phiên sáng, dữ liệu của Viện Dầu khí Mỹ API cho thấy tồn kho dầu thô và các sản phẩm lọc dầu của Mỹ đã giảm trở lại sau vài tuần tăng liên tiếp. Điều này hỗ trợ phần nào cho tâm lý thị trường, nhất là khi các dữ liệu vĩ mô gần đây cho thấy khả năng các nền kinh tế rơi vào suy thoái cũng tương đối cao.

Thị trường hàng hoá ngày 18/8: Dầu thô hồi phục sau 3 ngày lao dốc liên tiếp


Số liệu chính thức của EIA cho thấy tồn kho dầu thô thương mại giảm mạnh 7,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 12/08. Nhu cầu tiêu thụ dầu phục hồi từ 19,5 triệu thùng/ngày lên 21,2 triệu thùng/ngày khi giá xăng tại Mỹ có xu hướng giảm trong giai đoạn gần đây, xuống dưới mức 4 USD/gallon. Điều này thể hiện phần nào thông qua tồn kho xăng cũng đã giảm mạnh 4,6 triệu thùng, so với con số kỳ vọng của thị trường chỉ khoảng 1,1 triệu thùng. Bên cạnh đó, khối lượng xuất khẩu dầu tăng cũng khiến cho tồn kho dầu tại Mỹ giảm mạnh.

Mặc dù có sự suy yếu trên thị trường tương lai, tuy nhiên tại thị trường hàng thực, nhu cầu nhập khẩu dầu từ Mỹ vẫn rất là lớn, đặc biệt khi châu Âu đang ráo riết bổ sung các mặt hàng năng lượng, do vẫn còn nhiều mâu thuẫn với đối tác chính trước kia là Nga.

Biên bản cuộc họp FOMC công bố mới đây cho thấy Fed vẫn duy trì đường lối tăng lãi suất cho đến khi có thể kiểm soát lạm phát, mặc dù vẫn thừa nhận có rủi ro sẽ làm suy yếu nền kinh tế. Thị trường nhận định, sẽ có lúc Fed phải giảm tốc lộ trình tăng lãi suất của mình, để đảm bảo các hoạt động kinh tế. Doanh số bán lẻ trong tháng 7 gần như không thay đổi so với tháng trước đó, cho thấy người tiêu dùng Mỹ vẫn đang trong trạng thái thận trọng trong chi tiêu, nhất là khi giá cả hàng hóa gia tăng.

Nguồn tin: congthuong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây