Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 11

Thứ năm - 16/11/2023 21:35
Sáng 17/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2023 để thảo luận về các đề nghị xây dựng luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Cấp, thoát nước; Luật Điện lực (sửa đổi).

 

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 11- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự Phiên họp có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược đã được Đảng, Nhà nước xác định. Xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, mang ý nghĩa nền tảng, tạo khung khổ pháp lý để khơi thông, giải phóng, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, đầu tư đặc biệt cho công tác này, nhất là việc rà soát, hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Chính phủ đã tổ chức 8 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; đang trình Quốc hội xem xét, thông qua nhiều dự án luật quan trọng, có tác động sâu rộng tới toàn bộ đời sống kinh tế-xã hội. Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành 100 văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 11- Ảnh 2.

Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược đã được Đảng, Nhà nước xác định - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, trong xây dựng pháp luật luôn luôn bảo đảm các yêu cầu: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng, trình văn bản quy phạm; cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, giảm bớt xin cho, giảm sách nhiễu, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; xử lý những vấn đề mới phát sinh để huy động tối đa nguồn lực cho phát triển; phân cấp, phân quyền triệt để, đề cao vai trò người đứng đầu, gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, tăng cường năng lực thực thi của cấp dưới, tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; không để cài cắm lợi ích nhóm, cục bộ, lợi ích của bộ, ngành, địa phương trong xây dựng pháp luật.

"Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ rà soát lại, nếu bộ, ngành nào chưa phân công Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phụ trách công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế thì phải phân công ngay, hoàn thành trong tháng 11/2023 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế, trên tinh thần "đã nói phải làm, đã có Nghị quyết phải thực hiện", Thủ tướng nhắc nhở.

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 11- Ảnh 3.

Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế vẫn còn bất cập, hạn chế, việc trình một số dự án, dự thảo văn bản quy phạm còn chậm, chất lượng chưa bảo đảm; tình trạng chậm, nợ đọng ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được giải quyết triệt để; phản ứng chính sách có nơi, có lúc chưa kịp thời; kỷ luật, kỷ cương có nơi, có lúc chưa nghiêm…

"Đây cũng là những nội dung được đại biểu Quốc hội, đồng bào, cử tri đặc biệt quan tâm; cần hết sức lưu tâm, sớm xử lý. Những vấn đề đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì phải xây dựng quy định để tạo hành lang pháp lý cho phát triển", Thủ tướng nhắc nhở.

Tại Phiên họp, Chính phủ đã nghe các cơ quan chủ trì trình bày tóm tắt đề nghị xây dựng các Luật; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến xây dựng các dự án luật; tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành; xem xét về quy trình, thủ tục chuẩn bị; các yêu cầu, nguyên tắc xây dựng Luật; tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; tham khảo kinh nghiệm quốc tế; đồng thời phân tích sâu các vấn đề căn cơ và còn có nhiều ý kiến khác nhau tại các dự án luật.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về phiên họp./.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây