Tinh thần kiến tạo, phục vụ Nhân dân phải thể hiện bằng hành động cụ thể, quyết liệt hơn

Thứ ba - 31/10/2023 22:19
Kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn. Trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi là cơ bản, thì kinh tế - xã hội tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Do vậy, trong phiên đầu tiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đề nghị, tinh thần kiến tạo, phục vụ Nhân dân phải tiếp tục thấm nhuần và lan tỏa thật sự bằng hành động quyết liệt, cụ thể từ Trung ương đến mỗi ngành, địa phương trên cả nước.

Ba thách thức lớn với doanh nghiệp

Đánh giá về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến năm 2024, các đại biểu Quốc hội cho rằng, trước tình hình khó khăn chung của cả thế giới, nhưng với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành và phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, sự ủng hộ đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam tiếp tục là "điểm sáng" trong "bức tranh" không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu.

Tinh thần kiến tạo, phục vụ Nhân dân phải thể hiện bằng hành động cụ thể, quyết liệt hơn -0

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) đặc biệt ấn tượng với sự quyết liệt, mạnh mẽ, kiên định, kiên trì đổi mới cách nghĩ, cách làm vì Nhân dân của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Qua đó, đã tháo gỡ nhiều khó khăn về thể chế, chính sách cũng như các vấn đề hạ tầng, công trình, dự án trọng điểm quốc gia, đưa nhiều dự án quan trọng đi vào vận hành, khởi động sau rất nhiều năm gián đoạn, trong đó có những dự án kéo dài 20 năm, như dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Vân phong 1, Sông Hậu 1, kho Cảng Khí hóa lỏng Thị Vải, Chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn… Với những nỗ lực của các cấp, các ngành, an sinh xã hội cũng được bảo đảm, quốc phòng - an ninh được giữ vững, tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của nước ta.

Tinh thần kiến tạo, phục vụ Nhân dân phải thể hiện bằng hành động cụ thể, quyết liệt hơn -0

Đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường (Đà Nẵng) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Dù vậy, dẫn số liệu từ báo cáo của Chính phủ, ĐBQH Trần Chí Cường (Đà Nẵng) lưu ý, tăng trưởng tín dụng đến tháng 9.2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022. Nền kinh tế đang "khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn", dù ngân hàng nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành. Bên cạnh đó, trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% - một trong những chính sách được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về vốn lại được giải ngân rất ít. Đến nay, giải ngân chỉ đạt 781 tỷ đồng, bằng 1,95 % tổng gói hỗ trợ, còn hơn 39 nghìn tỷ đồng chưa được giải ngân.

Từ thực tế ở địa phương, ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ và đồng hành. Áp lực về thuế, biến động giá cả, khả năng tiếp cận vốn… đã tạo thành những thách thức lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tinh thần kiến tạo, phục vụ Nhân dân phải thể hiện bằng hành động cụ thể, quyết liệt hơn -0

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Quảng Nam) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Hoạt động của các doanh nghiệp đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, sự tiếp cận nguồn vốn trở nên cực kỳ hạn chế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong ngành bất động sản. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc hoạt động cầm chừng. Chỉ rõ thực tế này, đại biểu Trần Chí Cường cho rằng, việc khơi thông nguồn vốn và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn là nhiệm vụ cấp thiết ở thời điểm hiện tại. Trong đó, bên cạnh việc xem xét điều chỉnh hạ lãi suất cũng cần xem xét, đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay cũng như việc quản lý, định hướng tín dụng đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh hỗ trợ tiếp cận tín dụng, việc đẩy mạnh cải cách hành chính (trong đó có cải cách thủ tục hành chính) và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng là yêu cầu được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra. ĐBQH Lý Anh Thư (Kiên Giang) lưu ý, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính 6 tháng cuối năm 2023, trong đó xác định rõ sẽ thực thi phương án đơn giản hóa 402 quy định kinh doanh, nhóm quy định kinh doanh thuộc trách nhiệm của 9 bộ, cơ quan ngang bộ; đơn giản hóa 111 thủ tục hành chính cần phân cấp thẩm quyền giải quyết thuộc trách nhiệm của 17 bộ, cơ quan ngang bộ... Vấn đề đặt ra, đó là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương thực hiện Kế hoạch này, làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời, rà soát và theo thẩm quyền ban hành hoặc trình Quốc hội bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, chuyển từ chế độ “xin phép” sang “hậu kiểm”.  

Tinh thần kiến tạo, phục vụ Nhân dân phải thể hiện bằng hành động cụ thể, quyết liệt hơn -0

Đại biểu Quốc hội Lý Anh Thư (Kiên Giang) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Giải pháp phải có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá

Trong Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ Sáu, Chính phủ đã xác định 12 nhóm giải pháp thực hiện trong năm 2024 và các năm tới. Ghi nhận các giải pháp này, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nêu vấn đề, tại Kỳ họp thứ Sáu, Chính phủ cũng đã có báo cáo việc thực hiện các kế hoạch, chương trình 5 năm gửi đến Quốc hội, trong đó, đề xuất 52 nhóm giải pháp và nhiệm vụ. Đại biểu đề nghị, phải rà soát kỹ để bảo đảm tính liên thông, kết nối và tương hỗ trong các báo cáo, nhất là về nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cũng như các giải pháp, nhiệm vụ. Trên sơ sở đó, Chính phủ xác định những giải pháp nào là trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá để tập trung thực hiện, không dàn trải và bảo đảm tính khả thi cao.

Tinh thần kiến tạo, phục vụ Nhân dân phải thể hiện bằng hành động cụ thể, quyết liệt hơn -0

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Tháng 9 vừa qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên cấp Đối tác chiến lược toàn diện. Trong Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, hai bên ghi nhận tiềm năng của Việt Nam trong việc trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời “ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam”. Với việc trong bản tuyên bố chung mang tính bước ngoặt trong quan hệ giữa hai nước đã đề cập đến vấn đề hợp tác liên quan đến công nghiệp bán dẫn, đại biểu Trần Chí Cường cho rằng, đây là một cơ hội rõ ràng cho nền kinh tế Việt Nam và cần được xem xét quan tâm khai thác thích đáng trong 12 nhóm giải pháp Chính phủ đưa ra để thực hiện trong năm 2024.

Để đạt mức tăng trưởng GDP cao nhất, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đầu tư công cần được “bung ra” mạnh mẽ hơn nữa để thúc để sản xuất kinh doanh, để tăng tổng cầu của nền kinh tế. Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục có giải pháp quyết liệt hơn nữa tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Và, trong các giải pháp để đầu tư công có thể “bung ra” mạnh mẽ hơn, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị, Chính phủ phải có kế hoạch và danh mục chi tiết, tập trung hoàn thiện thể chế cho lĩnh vực đầu tư công. Đồng thời, nghiên cứu phân cấp mạnh hơn và ban hành kịp thời các tiêu chuẩn, định mức liên quan đến đầu tư công, để địa phương thực hiện. “Cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Do vậy, hành lang pháp lý trên các lĩnh vực phải rõ ràng, đầy đủ, tránh tình trạng phải hỏi nhiều lần, nhưng trả lời cũng không rõ áp dụng văn bản pháp luật nào, đẩy khó khăn và rủi ro cho những người trực tiếp thực thi công vụ”, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân nhấn mạnh.

Có thể thấy, kinh tế thế giới trong năm 2024 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn phức tạp, khó lường hơn. Trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, kinh tế - xã hội tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức rất lớn. Nêu bật bối cảnh này, các đại biểu Quốc hội mong muốn, tinh thần kiến tạo, phục vụ Nhân dân phải tiếp tục thấm nhuần và lan tỏa thật sự bằng hành động quyết liệt, cụ thể từ trung ương đến mỗi ngành, mỗi địa phương. Mỗi người thực thi công vụ phải luôn đau đáu, trăn trở, đồng hành giải quyết các khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. 

Nguồn tin: daibieunhandan.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây