- Một phiên livestream bán hơn 2.000 cuốn... 22:18 | 31/03/2024
- Thành phố Thủ Đức sẽ có đường sách từ... 22:55 | 17/12/2023
- Báo chí số là gì và các lợi ích? 22:50 | 17/12/2023
Quốc hội ngày càng khẳng định rõ nét tinh thần đổi mới
Tại Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn theo nhóm lĩnh vực thay vì theo nhóm vấn đề như trước, gồm lĩnh vực kinh tế tổng hợp - vĩ mô, kinh tế ngành, văn hoá - xã hội và tư pháp - nội chính - kiểm toán nhà nước. Có thể nói, phiên chất vấn có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình xem xét, giải quyết các vấn đề về kinh tế - xã hội đất nước và tôi hoàn toàn ủng hộ. Bởi lẽ, nếu theo từng nhóm ngành sẽ mang tính riêng rẽ, không rõ được mối quan hệ giữa các ngành, lĩnh vực với nhau. Khi chất vấn theo nhóm lĩnh vực sẽ khắc phục được điều này vì mang tính tổng hợp giữa các ngành có liên quan, qua đó cung cấp cái nhìn tổng thể cho chính các đại biểu Quốc hội, cử tri theo dõi; đồng thời, sẽ đề ra được các giải pháp về cơ chế, chính sách mang tính toàn diện, đầy đủ hơn.
PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH - Chuyên gia kinh tế
Điều này càng khẳng định rất rõ nét tinh thần đổi mới, hiệu lực, hiệu quả của Quốc hội, đúng như lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi tuyên thệ nhậm chức, rằng sẽ “tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân”.
Cách nào phát huy nội lực?
Kỳ họp thứ Sáu diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trong nước vẫn còn rất nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài; hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn…
Dù vậy, nhìn nhận về triển vọng năm 2024, vẫn có những cơ hội cho sự khởi sắc hơn năm 2023. Đó là chúng ta tiếp tục ổn định vĩ mô cũng như ổn định đồng tiền Việt Nam, lạm phát thấp, tăng trưởng vẫn trong nhóm cao. Điều quan trọng, xu hướng tiêu dùng dù chưa như kỳ vọng song đang được mở rộng dần, như vậy sản xuất sẽ ổn định, hàng tồn kho sẽ giảm xuống. Xuất nhập khẩu cũng đã dần khởi sắc hơn (theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 10.2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 61,62 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 5,9%; nhập khẩu tăng 5,2%).
Trên thế giới, tình hình giá cả các mặt hàng đã tương đối ổn định. Nền kinh tế nhiều nước, trong đó có Mỹ, dần phục hồi. Dù những căng thẳng địa chính trị vẫn còn, song có thể thấy, nhiều triển vọng lạc quan cho sự phát triển vào năm sau.
Chúng ta đã và đang hướng đến phát triển bền vững. Đó không chỉ là vấn đề tăng trưởng, mà còn là sự liên kết giữa tăng trưởng với các cân đối vĩ mô khác, với giải quyết việc làm, với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, với ổn định, nâng cao giá trị đồng tiền… Để thúc đẩy sự phát triển bền vững, rất mong tại phiên chất vấn, trên tinh thần “vấn đề mang tính tổng thể song giải pháp phải rất cụ thể”, các đại biểu cần tập trung làm rõ những nội dung sau.
Trước hết, cần rõ giải pháp để phát huy được nội lực của nền kinh tế. Việc phát huy các nguồn nội lực cũng cần phải thực hiện các giải pháp kích cầu nội địa, thông qua miễn, giảm phí, lệ phí, thuế để giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, từ đó hạ giá bán. Đẩy mạnh thực hiện Chính phủ số cũng góp phần đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục giấy tờ, qua đó tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, các đại biểu cũng cần đề xuất được giải pháp cụ thể để hướng nguồn lực vào những ngành nghề mới, công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ số và AI (trí tuệ nhân tạo). Tập trung làm rõ giải pháp để nâng cao năng suất lao động bởi hiện năng suất lao động xã hội vẫn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra. Muốn tập trung cho các ngành công nghiệp mới, nâng cao năng suất lao động, phải rõ giải pháp để đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
“Lường thu để chi”
Để phát triển toàn diện nền kinh tế quốc dân phải tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các vùng, các địa phương, các ngành. Do đó, các đại biểu cũng cần tập trung làm rõ vấn đề này.
Nếu muốn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư thì việc giữ ổn định, nâng cao giá trị Việt Nam đồng, giảm thấp lạm phát là một trong những yếu tố rất quan trọng. Các đại biểu cũng cần tập trung làm rõ giải pháp tiến tới “lường thu để chi”. Hiện, chúng ta vẫn đang thâm hụt ngân sách và nếu cứ kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển. Tất nhiên, việc vay nợ, bao gồm cả nguồn ngoại lực, là cần để phục vụ tăng trưởng, nhưng mấu chốt là phải phát huy được nội lực để có nền kinh tế thực sự tự chủ, bảo đảm an ninh tài chính, phát triển bền vững.
An toàn của hệ thống tài chính tiền tệ là vấn đề cần phải quan tâm hàng đầu. Song, chúng ta cũng cần xem xét để tạo ra các tiêu chuẩn, chuẩn mực mở rộng việc cấp tín dụng theo hình thức tín chấp đối với các dự án khả thi, qua đó giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để phát triển tốt hơn. Rất mong tại phiên chất vấn, các đại biểu cũng sẽ làm rõ vấn đề này. Trên cơ sở các đề xuất đó, Quốc hội sớm thể chế hóa và Chính phủ cần phải đẩy nhanh triển khai thực hiện.
Nguồn tin: daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn