Nhà Xuất Bản Công Thương

http://nhaxuatbancongthuong.com.vn


Linh kiện Trung Quốc chiếm tới 60% trong cấu phần điện thoại thông minh Huawei mới

Huawei Technologies đã đẩy mạnh việc sử dụng các linh kiện sản xuất tại Trung Quốc trong điện thoại thông minh mới nhất của mình trong bối cảnh Hoa Kỳ tiếp tục lệnh cấm các công ty Mỹ bán thiết bị cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc.

Nikkei, cùng với chuyên gia của Fomalhaut Techno Solutions tại Tokyo, đã tháo rời các bộ phận của Mate 40E của Huawei, dòng điện thoại tương thích với mạng 5G và phát hiện ra rằng các linh kiện do Trung Quốc sản xuất chiếm khoảng 60% tổng giá trị linh kiện, tăng gấp đôi so với phiên bản trước là Mate 30.

Đối với một số thiết bị bán dẫn quan trọng, Huawei vẫn đang dựa vào lượng chip tồn kho do Hoa Kỳ sản xuất. Sự phụ thuộc này khiến công ty có khả năng sẽ tụt hậu hơn nữa so với các đối thủ trong dài hạn.

Theo International Data Corporation, Samsung chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu trong nửa đầu năm 2021. Huawei từng đứng ở vị trí thứ hai, nhưng giờ đây đã rớt khỏi nhóm 5 nhà sản xuất điện thoại có thị phần lớn nhất kể từ khi Hoa Kỳ tiếp tục lệnh cấm.

Tháng 3 vừa qua, dòng Mate 40E đã ra mắt tại Trung Quốc. Nikkei và Fomalhaut đã tiến hành xác định xuất xứ của từng linh kiện để phục vụ cho việc phân tích.

Fomalhaut ước tính chi phí sản xuất một chiếc điện thoại Mate 40E là khoảng 367 USD – tương đương với Mate 30 là dòng điện thoại đã ra mắt thị trường vào tháng 9 năm 2019. Giá trị các linh kiện xuất xứ Trung Quốc trong Mate 40E đạt 56,6%, so với mức 30,0% của dòng trước đó.

Mức tăng này chủ yếu đến từ màn hình phát quang hữu cơ do Tập đoàn Công nghệ BOE của Trung Quốc sản xuất thay thế màn hình của Samsung Electronics. Linh kiện này chiếm gần 30% tổng giá trị của một chiếc điện thoại thông minh.

Ông Yoshio Tamura, Chủ tịch Văn phòng Châu Á của một công ty nghiên cứu của Hoa Kỳ, Display Supply Chain Consultants của Mỹ, cho biết: “Mặc dù BOE chậm hơn Samsung hai năm về công nghệ, nhưng Huawei đang tích cực tăng cường sử dụng các linh kiện do BOE sản xuất để cạnh tranh với Samsung trên thị trường điện thoại thông minh".

Huawei từng không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng chip Qualcomm làm "bộ não" cho điện thoại thông minh của mình. Việc tháo rời các linh kiện đã cho thấy hiệu suất của chip Kirin 990E - được thiết kế bởi công ty con HiSilicon của Huawei và được sản xuất bởi Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan - tương đương với các chip tương tự của Mỹ. Nó cũng được sử dụng trong Mate 30.

HiSilicon cũng là nhà cung cấp công tắc ăng-ten của Mate 40E - một loại chip truyền thông – đồng thời cũng là một trong những chip điều khiển năng lượng. Các linh kiện khác của Trung Quốc bao gồm cảm biến vân tay và pin.

Giám đốc Fomalhaut Minatake Kashio cho biết việc tháo rời các linh kiện đã xác nhận "những những bước tiến xa hơn trong việc tự sản xuất và thu mua các linh kiện ở trong nước" mà Huawei đã triển khai trước lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

Vào đầu năm 2019, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã cấm Huawei giao dịch với các công ty Mỹ. Vào mùa thu năm 2020, Hoa Kỳ đã bổ sung một lệnh cấm có hiệu lực đối với việc cung cấp thiết bị bán dẫn sử dụng công nghệ của Hoa Kỳ cho công ty Trung Quốc. Mảng kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei tiếp tục gặp khó khăn và chịu sức ép lớn dưới sự điều hành của Tổng thống Joe Biden.

Huawei đã chuyển sang thu mua trong nước khi họ cạn kiệt dần linh kiện tồn kho xuất xứ Hoa Kỳ. Các linh kiện của Mỹ chỉ chiếm 5,2% tổng giá trị của một chiếc Mate 40E, nhưng con số này thực tế đã tăng lên từ 2,6% trong một chiếc Mate 30. Có sáu loại thiết bị bán dẫn của Mỹ trong mẫu mới so với hai loại ở mẫu cũ.

Việc tháo rời cũng cho thấy không có linh kiện nào của Mỹ tương thích với mạng 5G. Nhưng Mate 40E có các chip Qualcomm đảm nhận các chức năng cốt lõi, chẳng hạn như xử lý mật mã giao tiếp. Dòng này cũng chứa thiết bị bán dẫn 4G của Qorvo là một nhà sản xuất của Hoa Kỳ. Kashio tin rằng Huawei "có thể đã sử dụng chip do Mỹ sản xuất mà họ đã mua và tích trữ từ trước khi các lệnh trừng phạt được đưa ra".

Do các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ áp dụng đối với chip Kirin của TSMC, Huawei sẽ phải tính toán xem khi nào họ sử dụng hết hàng tồn kho và có thể tìm nguồn khác ở đâu.

Việc thiếu hụt linh kiện điện thoại thông minh không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng mà còn hạn chế năng lực sản xuất của Huawei. Các thiết bị 5G của Huawei, bao gồm cả Mate 40E, nói chung đã hết hàng tại các cửa hàng.

Dòng điện thoại thông minh P50 mà Huawei ra mắt vào tháng 8 chỉ bao gồm các mẫu 4G và không có phiên bản 5G.

Việc tháo rời các bộ phận của điện thoại cũng tiết lộ rằng 15,9% linh kiện của Mate 40E tính theo giá trị có xuất xứ Nhật Bản. Đây là mức giảm so với mức 24,5% của Mate 30, do thiết bị bộ nhớ sản xuất bởi Kioxia, trước đây là Toshiba Memory, được thay thế bằng một sản phẩm của Samsung.

Tuy nhiên, có một số linh kiện chỉ được sản xuất bởi các công ty Nhật Bản, bao gồm các cảm biến và thiết bị xử lý tín hiệu. Mate 40E có một cảm biến hình ảnh trong máy ảnh của Sony Group. Việc tháo rời đã xác định các linh kiện của các công ty Nhật khác, bao gồm Murata, TDK, Taiyo Yuden và Asahi Kasei.

"Nếu [Huawei] yêu cầu chúng tôi cung cấp linh kiện, chúng tôi phải tuân thủ ngay cả khi có lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ", một lãnh đạo của một nhà cung cấp Nhật Bản cho biết. “Thậm chí có trường hợp cấp trên yêu cầu trực tiếp. Chúng tôi sẽ thực hiện giao hàng trong phạm vi cho phép".

Các linh kiện Hàn Quốc chiếm 37,2% trong Mate 30, nhưng con số này đã giảm xuống còn 11,5% trong Mate 40E, thấp hơn tỷ trọng linh kiện của Trung Quốc và Nhật Bản. Khi màn hình Samsung được thay thế bằng sản phẩm BOE, linh kiện xuất xứ Hàn Quốc chỉ còn lại một bộ lưu trữ và một vài chip bộ nhớ.

Nguồn tin: moit.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây