Nhà Xuất Bản Công Thương

http://nhaxuatbancongthuong.com.vn


Số ca mắc COVID-19 có dấu hiệu tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu

Số ca mắc bệnh trong ngày sau một thời gian thuyên giảm nay đang có dấu hiệu tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại.

 


Ảnh: Getty Images


Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 475.037 trường hợp mắc COVID-19 và 7.096 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 204 triệu ca bệnh, trong đó trên 4,3 triệu người không qua khỏi.

Số ca mắc bệnh trong ngày sau một thời gian thuyên giảm nay đang có dấu hiệu tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. Tiến trình tiêm vaccine trên thế giới có sự chênh lệch mạnh giữa các nước.
 
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 183.201.964 bệnh nhân được điều trị khỏi. Ngày 9/8, thế giới có 142 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới, 97 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, đã ghi nhận 64.392.299 ca nhiễm. Châu Âu đang có 52.552.508 ca nhiễm. Con số này ở Bắc Mỹ là 43.849.437 ca trong khi của Nam Mỹ là 35.811.850 ca. Tuy nhiên, nếu xét theo số ca tử vong, châu Âu ghi nhận nhiều nhất với 1.139.862 ca, tiếp đến là Nam Mỹ hiện đã hơn 1 triệu ca, sau đó là Bắc Mỹ với 946.849 ca và châu Á với 922.464 ca.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 633.116 ca tử vong trong số 36.543.338 ca mắc. Biến thể Delta đang khiến số ca dương tính, nhập viện và tử vong tại nước này tăng cao chưa từng thấy kể từ giai đoạn đỉnh điểm vào mùa Đông năm 2020. Nhằm hạn chế dịch lây lan, Lầu Năm Góc yêu cầu mọi quân nhân Mỹ phải tiêm phòng trước ngày 15/9. Quyết định này được đưa ra hơn một tuần sau khi Tổng thống Joe Biden chỉ đạo giới chức Bộ Quốc phòng xây dựng một kế hoạch yêu cầu các quân nhân đi tiêm phòng, như một phần trong chiến dịch sâu rộng nhằm tăng cường tiêm chủng đối với lực lượng lao động liên bang. Đây cũng là quyết định tương tự của các chính phủ và các công ty trên khắp thế giới, trong bối cảnh các quốc gia đang phải vật lộn với tình trạng lây nhiễm tăng cao do biến thể Delta.

Sau Mỹ là Brazil với 563.470 ca tử vong trong số 20.165.672 ca mắc, Ấn Độ với 428.339 ca tử vong và 31.969.954 ca mắc.

Tại châu Á, trong ngày 9/8, Iran đã ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao chưa từng thấy (40.808 ca) - cao nhất khu vực. Các cơ quan y tế Iran đã cảnh báo về những kịch bản tồi tệ ở nước này trong làn sóng lây nhiễm thứ 5 nếu chính phủ không triển khai các biện pháp kiểm soát mới và tiến độ tiêm chủng không được đẩy nhanh.

Ngoài Iran, một số quốc gia Đông Nam Á đang chứng kiến sự lây lan nghiêm trọng của dịch COVID-19. Trong ngày 9/8, Indonesia ghi nhận 20.709 ca nhiễm mới, Thái Lan có thêm 19.603 ca, Malaysia có thêm 17.236 ca... Hiện các nước Đông Nam Á cũng đang nỗ lực đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine, tập trung tại các khu vực có nguy cơ cao để kiềm chế sự lây lan của SARS-CoV-2.

Tại châu Âu, Nga đang là điểm nóng dịch bệnh tại châu lục này với số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày 9/8 là 22.160 ca. Ngoài Anh, nhiều nước châu Âu thận trọng trong việc xem xét gỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhằm khôi phục trạng thái bình thường mới, trong bối cảnh biến thể Delta đang tiếp tục lây lan tại một số nước châu Âu bất kể tỷ lệ tiêm chủng đã đạt mức cao.

Còn tại châu Phi, số ca mắc COVID-19 đã vượt ngưỡng 7 triệu ca. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của châu Phi, số ca tử vong vì COVID-19 tại châu lục này là 177.400 ca, trong khi 6.138.912 ca đã được điều trị khỏi. Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập và Ethiopia là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất ở khu vực.

Nguồn tin: www.baochinhphu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây