Nhà Xuất Bản Công Thương

http://nhaxuatbancongthuong.com.vn


Tổng hợp hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương tuần qua

Trong tuần qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn đại biểu đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26) diễn ra, thăm làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hoà Pháp. Với việc tham gia đóng góp tại Hội nghị COP26, chúng ta đã tái khẳng định thông điệp mạnh mẽ tới tất cả bạn bè quốc tế về một Việt Nam trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia xử lý một trong những thách thức chung toàn cầu.

Bên cạnh những dấu ấn nổi bật của COP26, chuyến đi lần này còn mang lại những kết quả ấn tượng từ các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư. Với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, gần 60 bản ghi nhớ hợp tác đã được doanh nghiệp Việt Nam và các nước thoả thuận, tổng giá trị đầu tư cam kết lên đến hơn 30 tỷ USD, tập trung trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, kinh tế số, chuyển đổi số, môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, quy hoạch, công nghiệp hàng không vũ trụ, y tế và phòng chống dịch, giáo dục, nông nghiệp, du lịch… là những định hướng ưu tiên thu hút đầu tư của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, ấn tượng nhất trong chuyến thăm và làm việc tại Anh và Pháp trong lĩnh vực thương mại là sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với Việt Nam. Theo đó, có gần 70 nhà đầu tư lớn, các tập đoàn kinh tế lớn ở hầu hết các lĩnh vực đã tìm gặp Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành. Có thể nói từ sáng sớm cho đến tối khuya, các doanh nghiệp vẫn xếp hàng để gặp gỡ, bày tỏ ý tưởng và đề xuất với Chính phủ, với các bộ, ngành về những dự án mà họ sẽ dự kiến triển khai.

 

Đây là những động thái cho thấy rằng là các nhà đầu tư ở châu Âu nói chung, Anh và Pháp nói riêng rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và rất quan tâm đến Hiệp định bảo hộ đầu tư mà Việt Nam với Vương quốc Anh cũng như Việt Nam với Liên minh châu Âu sẽ triển khai thực hiện tới đây.

Chi tiết bài viết, xem tại đây

Ký kết, trao 26 thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Anh với giá trị hàng tỷ USD

Chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Vương quốc Anh, nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và thăm làm việc tại Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp giữa Việt Nam và Anh có giá trị hàng tỷ USD.

https://moit.gov.vn/upload/2005517/fck/files/ba7d7d1186064e581717_486ec.jpeg

Cùng dự buổi ký kết, trao thỏa thuận hợp tác có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam và Vương quốc Anh.

Các thỏa thuận được ký kết với tổng trị giá hàng tỷ USD trên nhiều lĩnh vực cho thấy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã, đang và ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Chi tiết bài viết, xem tại đây

Cũng trong chương trình làm việc, sáng 3/11 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburgh, Scotland, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp tục cùng tham dự cuộc gặp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với cộng đồng doanh nghiệp Anh.

Đặc biệt, để thúc đẩy tăng tưởng xanh và bền vững, tại buổi tiếp, Chủ tịch Ngân hàng cam kết đầu tư 8 tỷ USD phát triển bền vững ở Việt Nam trong thời gian tới và hỗ trợ công nghệ với các đối tác Việt Nam.

Chi tiết bài viết, xem tại đây.

Tăng cường hợp tác phát triển điện gió giữa Việt Nam và CHLB Đức

Triển khai nội dung hợp tác trong khuôn khổ “Thỏa thuận khung về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng” giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Tập đoàn Siemens CHLB Đức, ngày 31 tháng 10 năm 2021, Siemens Gamesa Renewable Energy (SGRE) đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với BCG Energy của Việt Nam về việc cung cấp thiết bị và giải pháp kỹ thuật để phát triển điện gió tại Việt Nam. 

Đây là những hoạt động hợp tác trong khuôn khổ “Thỏa thuận khung về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng” hướng tới xây dựng “Lộ trình cơ sở hạ tầng thông minh cho Việt Nam” được ký giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Tập đoàn Siemens vào ngày 09 tháng 4 năm 2019.

Mục tiêu tổng thể của lộ trình là đưa Việt Nam phấn đấu sớm trở thành quốc gia công nghiệp và theo đuổi tăng trưởng bền vững. Các mục tiêu cụ thể là đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng liên tục và bền vững, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, thực hiện Chiến lược Tăng trưởng Xanh và phát triển kế hoạch đầu tư hạ tầng.

Chi tiết bài viết, xem tại đây.

Nhiều thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam - Pháp

Ngay sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị COP26 và thăm làm việc tại Vương quốc Anh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn đại biểu đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới sân bay Orly ở Thủ đô Paris, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 3-5/11 theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, tại Điện Matignon, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Pháp Jean Castex, chứng kiến Lễ ký kết một số văn bản, thỏa thuận hợp tác giữa hai nước và tham dự tiệc chiêu đãi chính thức của Thủ tướng Chính phủ Pháp chào mừng Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.

Hai bên đã thống nhất triển khai các biện pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho trao đổi thương mại song phương, hỗ trợ các doanh nghiệp, hàng hóa của hai nước thâm nhập thị trường của nhau; đề xuất biện pháp thúc đẩy các dự án hợp tác trong các lĩnh vực trọng điểm như giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, môi trường, năng lượng và hàng không - vũ trụ; cùng hướng tới xây dựng các quan hệ đối tác công nghiệp lâu dài trên cơ sở chuyển giao công nghệ cao, cùng có lợi, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như năng lượng sạch, nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi số...

 

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng trao quyết định chủ trương đầu tư dự án điện lực Sơn Mỹ 1 trước sự chứng kiến của Lãnh đạo hai nước.

Chi tiết bài viết, xem tại đây.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã tháp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt-Pháp và chứng kiến Lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Cộng hòa Pháp và một số nước châu Âu. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan của Việt Nam và Pháp đã chứng kiến Lễ trao 29 thỏa thuận hợp tác giữa các Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Cộng hòa Pháp và một số nước châu Âu trên nhiều lĩnh vực như đầu tư, thương mại, xây dựng, quy hoạch, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo... 

Cũng trong chuyến thăm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn làm việc của Thủ tướng có các cuộc làm việc với các Tập đoàn lớn của Pháp.

Chi tiết bài viết, xem tại đây

Nhân dịp này, vào ngày 4/11 tại đại siêu thị Carrefour Collégien, cách thủ đô Paris 35 km về phía Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã khai mạc sự kiện Tuần lễ Hàng tiêu dùng Việt Nam tại hệ thống siêu thị Carrefour của Pháp. Sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh sản phẩm Việt Nam với người tiêu dùng tại Pháp nói riêng và châu Âu nói chung, đồng thời cũng nhằm giới thiệu, quảng bá hàng tiêu dùng Việt Nam tới toàn bộ hệ thống Carrefour trên khắp thế giới.

Đây còn là một trong những hoạt động chính trong khuôn khổ Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài” mà Bộ Công Thương đã triển khai từ năm 2015 đến nay, qua đó đẩy mạnh quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài cũng như hỗ trợ kết nối doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam với bộ phận thu mua của các hệ thống phân phối lớn trên thế giới.

Các hoạt động đối ngoại nổi bật khác

Cũng trong tuần qua, từ ngày 30/10 tới ngày 02/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã tháp tùng Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Hy Lạp. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Thứ trưởng đã tham dự Diễn đàn kinh doanh Việt Nam – Hy Lạp do Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Thứ trưởng Ngoại giao Hy Lạp, ông Kostas Fragogiannis, đồng chủ trì.

Bên lề Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã tháp tùng Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp gỡ với doanh nghiệp Hy Lạp có nhu cầu, nguyện vọng hợp tác với Việt Nam. Trong buổi gặp này, ý tưởng về việc xây dựng Ngôi nhà Việt Nam tại Athen, Hy Lạp, để trưng bày các sản phẩm của Việt Nam nhằm quảng bá tới người Hy Lạp cũng như du khách quốc tế khi tới Hy Lạp đã được Phó Chủ tịch nước ghi nhận, giao Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp cùng Bộ Công Thương nghiên cứu, đánh giá các bước cụ thể để triển khai nếu phù hợp.

Chi tiết bài viết, xem tại đây.

Triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Phó Thủ tướng Liên bang Nga D. N. Chernyshenko tại Khóa họp thứ 23 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Liên bang Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật tổ chức vào ngày 29 tháng 10, ngày 03/11/2021, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã có buổi làm việc trực tuyến với Thứ trưởng Bộ Công Thương Liên bang Nga Alexey Gruzdev, nhằm trao đổi một số nội dung liên quan đến việc triển khai các thỏa thuận về Nghị định thư hợp tác về ô tô giữa Chính phủ hai nước.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An thống nhất với Thứ trưởng Gruzdev về quan điểm Việt Nam cũng luôn coi trọng dự án hợp tác với Liên bang Nga về sản xuất phương tiện vận tải có động cơ, coi đây là tiền đề quan trọng cho hợp tác song phương trong lĩnh vực công nghiệp thời gian tới.

Tại cuộc họp, hai Thứ trưởng cũng thống nhất giao cấp kỹ thuật hai Bên tổ chức buổi làm việc để rà soát kỹ lời văn của dự thảo Nghị định thư (sửa đổi lần 2) Nghị định thư hợp tác về ô tô. Hai Bên thống nhất sẽ hoàn tất các thủ tục có liên quan để ký Nghị định thư này trong chuyến thăm cấp cao của Việt Nam sang Liên bang Nga vào đầu tháng 12 tới.

Chi tiết bài viết, xem tại đây.

Chiều ngày 04 tháng 11 năm 2021, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ (TIFA) đã có buổi làm việc trong khuôn khổ Hội đồng TIFA với bà Dawn Shackleford, Trợ lý Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) phụ trách khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương để trao đổi về các vấn đề kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước.

Cuộc làm việc diễn ra trong không khí xây dựng, thẳng thắn và tích cực. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Trợ lý USTR Dawn Shackleford nhất trí đánh giá tổng thể quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời bày tỏ tin tưởng quan hệ hai nước, với định hướng phát triển đúng đắn sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng ổn định, trong đó hợp tác kinh tế thương mại là trọng tâm và động lực chính thúc đẩy quan hệ song phương.

Chi tiết bài viết, xem tại đây.

Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA

Cùng ngày (chiều 4/11), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cùng đại diện các Bộ Ngoại giao, Công Thương, Kế hoạch Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính, Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã cùng tham dự cuộc Toạ đàm "Một năm thực thi Hiệp định EVFTA: Cơ hội, thách thức và giải pháp" theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Dự kiện còn có sự tham dự của các Đại sứ, Tham tán thương mại thuộc các Cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước thành viên EU, cùng gần 30 đại biểu từ các Hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh những kết quả tích cực sau một năm triển khai EVFTA đã đáp ứng được kỳ vọng về kim ngạch thương mại đề ra.

Sau một năm thực thi, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU sử dụng mẫu chứng nhận xuất xứ cho thị trường EU đạt tỷ lệ khá cao ở mức gần 8 tỷ USD, cho thấy nhiều doanh nghiệp đã chú ý và tận dụng tốt các ưu đãi cắt giảm thuế quan trong hiệp định. 

Chi tiết bài viết, xem tại đây

Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng các ưu đãi từ UKVFTA cũng như chủ động bảo vệ sản xuất trong nước trong quá trình thực thi Hiệp định, Bộ Công Thương đang triển khai nội luật hóa các quy định của UKFTA như hướng dẫn chi tiết về quy tắc xuất xứ và lĩnh vực phòng vệ thương mại (PVTM).

Theo Cục Phòng vệ thương mại, nội dung về PVTM được quy định trong Hiệp định UKVFTA có nhiều điểm tương tự như trong Hiệp định EVFTA. Trong đó, nội dung về biện PVTM được quy định bao gồm các biện pháp nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước của các Bên trong trường hợp có hành vi cạnh tranh không lành mạnh (phá giá/trợ cấp) hoặc do thực hiện nghĩa vụ tại Hiệp định khiến hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, dẫn đến thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.     

Chi tiết bài viết, xem tại đây.

Thực hiện kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2021, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ 4 (CIIE 2021) diễn ra từ ngày 05 – 10/11/2020 tại Trung tâm Triển lãm quốc gia, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.

Năm nay, Việt Nam là một trong mười quốc gia ở Châu Á được Ban tổ chức Hội chợ mời tham gia tổ chức “Gian hàng quốc gia Việt Nam” trên nền tảng trực tuyến, với mục tiêu quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hóa, du lịch, thành tựu và lĩnh vực kinh tế tiêu biểu của Việt Nam tới đông đảo khách tham quan Trung Quốc và quốc tế.

Với thị trường trên 1,4 tỷ dân liền kề với biên giới nước ta, trong tương lai, nếu xây dựng được các kênh xuất khẩu chính ngạch ổn định thì Trung Quốc có thể trở thành thị trường xuất khẩu chiến lược lớn nhất của nước ta, đồng thời với vai trò là cầu nối và cửa ngõ xuất - nhập khẩu của ASEAN và Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy phát triển giao thương với ta nhanh và bền vững.

Chi tiết bài viết, xem tại đây.

Bên cạnh đó, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho biết, Bộ Công Thương đã hoàn tất việc đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu đi Trung Quốc thuộc thẩm quyền phụ trách của Bộ Công Thương theo quy trình đăng ký nhanh.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì) phổ biến tới địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp triển khai thực hiện đáp ứng các quy định tại Lệnh 248 và Lệnh số 249 của Trung Quốc. Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục đôn đốc Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm phản hồi và cấp mã số đăng ký đối với danh sách doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của Việt Nam, đảm bảo cho hoạt động thương mại song phương được duy trì ổn định.

Chi tiết bài viết, xem tại đây.

Ngày 03/11/2021, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cùng nhiều đại biểu từ các ban ngành đã cùng tham gia sự kiện tổng kết hành trình triển khai chương trình đào tạo miễn phí kỹ năng số vì cộng đồng mang tên Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0.  Đây là một sáng kiến do Google khởi xướng từ năm 2018 và hợp tác cùng Bộ Công Thương với mục tiêu đào tạo kỹ năng số cho 500.000 người Việt.

Thứ trưởng tin tưởng rằng, sự thành công của chương trình Bệ Phóng Việt Nam Digital 4.0 sẽ là tiền đề để chúng ta có thêm nhiều chương trình vì cộng đồng, giúp hoạt động chuyển đổi số, thương mại điện tử nhanh hơn và sâu sắc hơn, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam sớm phục hồi và tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo”.

Chi tiết bài viết, xem tại đây.

Không để thiếu hàng, sốt giá dịp Tết Nguyên đán

Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Bộ Công Thương đang theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để chủ động có phương án hoặc đề xuất với Chính phủ các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng sốt giá.

Những ngày qua, Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, khảo sát tình hình thị trường. Theo ghi nhận, nguồn cung hàng hóa cũng như giá cả các mặt hàng thiết yếu tại các tỉnh thành phía Nam tiếp tục diễn biến theo xu hướng ổn định, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới.

Hiện Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với các bộ ngành, địa phương có liên quan, tổng hợp, đánh giá cung cầu các mặt hàng nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, năng lượng trong giai đoạn cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Chi tiết bài viết, xem tại đây.

Đảm cung ứng hàng hóa cho người dân khi nhiều tỉnh thành phía Nam chuyển cấp độ chống dịch

Trong một diễn biến khác, một số tỉnh, thành phía Nam ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng nhanh, trong đó nhiều ca cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Một số địa phương đã ban hành văn bản về việc nâng cấp độ dịch, chuyển nhiều điểm từ xanh sang vàng, rồi từ vùng vàng sang cấp độ đỏ.

Theo ghi nhận của Tổ Công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương, tại TP HCM: Tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn Thành phố tiếp tục ổn định, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới.

Tại tỉnh Bạc Liêu: Các hệ thống phân phối cửa hàng Bách hóa xanh, Siêu thị Coopmart, chuỗi cửa hàng Coop.Food vẫn hoạt động và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Các Kênh bán hàng online của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn giao hàng đến từng hộ gia đình nên đã giảm lượng người tập trung mua hàng. Các mặt hàng thiết yếu đủ đảm bảo cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng người dân.

Còn tại tỉnh Sóc Trăng: Số lượng tiểu thương hoạt động tại các chợ đạt khoảng 80-90% so với ngày thường. Sức mua tại các chợ trên địa bàn tỉnh tăng nhẹ 3-5% so với ngày 31/10/2021. Hàng hoá tại các chợ đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.

Chi tiết bài viết, xem tại đây

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, trong đó bổ sung Điều 38a về công thức giá cơ sở xăng dầu.

Nghị định cũng sửa đổi điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Một trong các điều kiện được sửa là thương nhân phải có hệ thống phân phối xăng dầu: Tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 5 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp; tối thiểu 40 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân. Nghị định 95/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 2/1/2022.

Chi tiết bài viết, xem tại đây.

Các khu công nghiệp trong nước tăng tốc hoạt động trở lại

Kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 đến nay, các tỉnh, thành phố trong cả nước đang tiếp tục nỗ lực nới giãn cách, phục hồi kinh tế, nối lại chuỗi sản xuất, đảm bảo đời sống cho người lao động.

Tại TP HCM, tính đến ngày 1/11, có 1.324/1.412 doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP HCM đăng ký hoạt động trở lại. Trong đó, 216.000/288.000 lao động được trở lại làm việc, tương đương 88%.

Riêng Khu Công nghệ cao Thành phố có 88 doanh nghiệp thì đã trở lại hoạt động đạt 100%, với 145.000 lao động, tương đương 84%.

Còn tại Cần Thơ, theo ghi nhận của Tổ Công tác đặc biệt khu vực phía Nam của Bộ Công Thương, trên địa bàn thành phố Cần Thơ, theo thống kê từ Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp, Ủy ban nhân dân các quận, huyện trên địa bàn thành phố tính đến ngày 02/11/2021 có 975 (tương đương 83,48%) doanh nghiệp sản xuất đã hoạt động trở lại.


Đáng chú ý, tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bên lề Hội nghị COP26, ông Nobel Kinder, Giám đốc phát triển bền vững Tập đoàn Nike đã cho biết toàn bộ gần 200 nhà máy của Nike ở các địa phương bị đứt gãy do COVID-19 đã quay lại sản xuất. Tập đoàn cam kết sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Nguồn tin: moit.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây