Từ nhập siêu chuyển sang xuất siêu: Thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế

Thứ tư - 31/03/2021 10:28
Cán cân thương mại từ nhập siêu chuyển sang xuất siêu đến gần 20 tỷ USD và nâng mức dự trữ ngoại hối lên 100 tỷ USD, đã minh chứng cho thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế và là cơ sở quan trọng để bình ổn tỷ giá, điều hành tiền tệ và đảm bảo các quan hệ thanh toán quốc tế.

Điểm đến an toàn và hấp dẫn của các nhà đầu tư

Đánh giá về Báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 29/3, đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội cho rằng, nhiệm kỳ 2016-2021 là một nhiệm kỳ rất thành công trên tất cả các phương diện. Cụ thể như, tăng trưởng GDP thuộc nhóm 10 quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, kinh tế vĩ mô luôn được sự ổn định, đời sống vật chất, tinh thần, chăm sóc sức khỏe của người dân không ngừng được nâng cao.
 

Từ nhập siêu chuyển sang xuất siêu: Minh chứng cho thành công trong hội nhập kinh tế

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận ngày 29/3


“Quy mô nền kinh tế của chúng ta đã vượt qua Singapore, Malaysia để vươn lên đứng thứ 4 trong khu vực và nằm trong Top của 40 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hệ số tín nhiệm quốc gia luôn được giữ vững, với giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng thêm 29% và là nước có mức tăng giá trị thương hiệu quốc gia cao nhất thế giới. Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn và hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế” - đại biểu Hoàng Văn Cường thông tin.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Chính phủ tiền nhiệm đã rất thành công trong việc kiểm soát nợ xấu ngân hàng từ mức báo động cao, gấp 6 lần giới hạn giảm xuống mức dưới an toàn 3%, trong bối cảnh lãi suất điều hành giảm; đã đưa nợ công giảm sâu gần 10 điểm, từ sát kịch trần, xuống 55,3% GDP.

Đây là điều kiện thuận lợi rất tốt cho những nhiệm kỳ tới, có dư địa để tăng nguồn lực đầu tư bằng nguồn vốn vay; sử dụng kết hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng, trên quan điểm tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

“Cán cân thương mại từ nhập siêu chuyển sang xuất siêu đến gần 20 tỷ USD và nâng mức dự trữ ngoại hối lên 100 tỷ USD, đã minh chứng cho thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế và là cơ sở quan trọng để bình ổn tỷ giá, điều hành tiền tệ và đảm bảo các quan hệ thanh toán quốc tế” - đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng nhấn mạnh, tình trạng nhập siêu vẫn tiếp tục gia tăng đối với các nước trong khu vực, đặc biệt là với Trung Quốc. Trong khi đó, xuất siêu lại nghiêng về các nước ở thị trường phát triển, đặc biệt xuất siêu sang Mỹ tăng cao.

Điều này đặt ra nhiệm vụ cho Chính phủ phải chú trọng điều hành các quan hệ xuất, nhập khẩu giữa các thị trường, kiểm soát chặt chẽ việc nhập hàng hóa nguyên liệu từ thị trường khu vực để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường phát triển như Mỹ và EU. Đồng thời đòi hỏi phải có giải pháp hữu hiệu khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được thực thi.

Chuyển đổi số thành công sẽ biến "không thể thành có thể"

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường: Chính phủ đã rất thành công trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc quyết liệt chỉ đạo; giao chỉ tiêu cụ thể cho các bộ, ngành để cắt giảm tới 63% điều kiện kinh doanh và cắt giảm tới 68% các danh mục, dòng hàng kiểm tra chuyên ngành, để năng lực cạnh tranh toàn cầu tăng lên 10 bậc.

"Tuy nhiên, thành công này của Chính phủ tiền nhiệm lại đặt ra một thách thức vô cùng lớn cho nhiệm kỳ tới. Bởi vì chúng ta không còn nhiều dư địa để tiếp tục cắt giảm các ràng buộc và thủ tục hành chính" - đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định.

Do vậy, để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, không phải là tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm thủ tục mà phải thực hiện đột phá thể chế bằng việc thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý, chuyển cơ chế, đối tượng quản lý từ xin phép khai báo trước với cơ quan quản lý sang cơ chế, đối tượng quản lý tự lựa chọn quyết định, tự công khai thông tin.

Về phía cơ quan quản lý từ nhiệm vụ tiếp nhận thông tin và tiền kiểm sang nhiệm vụ tìm kiếm, thu thập thông tin và thực hiện. Phương thức quản lý này chỉ được thực hiện trên cơ sở chuyển đổi số toàn bộ thông tin và quy trình quản lý.

"Đây phải là khâu đột phá tiên phong trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. Nếu chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý thành công thì tất cả những yêu cầu về đột phá trong cải cách về thể chế sẽ giúp chúng ta biến những điều không thể thành những điều có thể và mang lại những nguồn lực vô cùng to lớn cho đất nước" - ông Cường nhấn mạnh.

Đại biểu đoàn Hà Nội cũng cho rằng, việc chuyển đổi số sẽ làm thay đổi hoàn toàn thói quen và vị trí của người quản lý trong bộ máy nhà nước. Người quản lý không còn ngồi chờ doanh nghiệp đến yêu cầu giải quyết mà phải dựa vào thông tin được số hóa của doanh nghiệp để phát hiện những vấn đề cần điều chỉnh hoặc phải giải quyết để đáp ứng những yêu cầu cho doanh nghiệp. Đó chính là cơ sở để chuyển đổi từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ, tạo đột phá về thể chế trong quản lý.

Nguồn tin: congthuong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây