Gỡ tối đa nhưng không để xảy ra xung đột pháp luật

Thứ năm - 16/11/2023 09:26
Trong phiên thảo luận sáng 15.11, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần có báo cáo đánh giá, làm rõ nguyên nhân chậm giải ngân nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, trách nhiệm thuộc về đâu. Từ đó mới trình Quốc hội cho phép hoặc không cho phép kéo dài nguồn vốn năm 2021, năm 2022. Tinh thần, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh là, gỡ tối đa nhưng không được để xảy ra xung đột pháp luật.

 

Gỡ tối đa nhưng không để xảy ra xung đột pháp luật

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Kéo dài vốn năm 2022 sang thực hiện trong năm 2024?

 Đoàn giám sát “Việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” vừa xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép kéo dài vốn kế hoạch năm 2022 của các Chương trình chưa giải ngân hết năm 2023 kéo dài sang năm 2024.

Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, ngày 10.11.2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Theo đó, Quốc hội cho phép chuyển nguồn dự toán ngân sách nhà nước thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 (bao gồm vốn đầu tư phát triển, kinh phí chi thường xuyên của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) sang năm 2024 tiếp tục thực hiện, nhưng không bao gồm vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023.

Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy, việc giải ngân chậm (nhất là vốn sự nghiệp) phần lớn là do nguyên nhân chủ quan, nhiều văn bản hướng dẫn đến cuối năm 2023 mới được hoàn thành, sửa đổi, bổ sung để thực hiện, dẫn đến kết quả giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia đến ngày 30.9.2023 đạt thấp, đặc biệt là vốn sự nghiệp mới đạt khoảng 15% (3.800 tỷ đồng).

Gỡ tối đa nhưng không để xảy ra xung đột pháp luật -0

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết thêm, theo báo cáo của Chính phủ, nếu không được kéo dài nguồn vốn thực hiện năm 2023 sang năm 2024 sẽ dẫn đến việc hủy dự toán năm 2023 khoảng 16.000 tỷ đồng, gồm 15.000 tỷ đồng vốn sự nghiệp, 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư. Trong đó riêng vốn sự nghiệp năm 2022 chuyển sang năm 2023 không giải ngân hết còn khoảng 3.713 tỷ đồng.

“Qua ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày 30.10 và kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo số 9458/BC-BKHĐT ngày 10.11, Đoàn giám sát thấy rằng, để bảo đảm nguồn lực thực hiện các Chương trình, việc cho phép kéo dài vốn năm 2023 chưa giải ngân hết (bao gồm cả vốn năm 2022) sang năm 2024 là cần thiết”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh.

Gỡ tối đa nhưng không để xảy ra xung đột pháp luật -0

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Vì vậy, Đoàn giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 phương án. Phương án 1, Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho phép vốn năm 2022 của các Chương trình chưa giải ngân hết năm 2023 sang thực hiện trong năm 2024, Đoàn giám sát kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị quyết giám sát để có cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương khi thực hiện đồng thời Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Nghị quyết giám sát về các Chương trình mục tiêu quốc gia. Phương án 2: Không đồng ý.

Chấp hành kỷ cương, kỷ luật ngân sách chưa nghiêm

Lưu ý, trong Báo cáo của Đoàn giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đề nghị cho phép kéo dài vốn của năm 2022 của các Chương trình chưa giải ngân hết năm 2023 sang thực hiện trong năm 2024. Tuy nhiên, điểm b, Khoản 1, Điều 2 dự thảo Nghị quyết về chuyên đề giám sát lại cho phép chuyển nguồn dự toán ngân sách nhà nước thực hiện 3 chương trình mục tiêu năm 2021, 2022 chưa giải ngân hết sang năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng “đang có sự thiếu thống nhất giữa giải trình của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết”.

Gỡ tối đa nhưng không để xảy ra xung đột pháp luật -0

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết thêm, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội để thông qua Nghị quyết Về dự toán ngân sách năm 2024 có đề cập việc đối với nguồn vốn năm 2021 2022 chưa thực hiện giải ngân hết, căn cứ vào điều kiện tình hình thực tế, Quốc hội sẽ xem xét khi Chính phủ có báo cáo tổng thể về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới. Điều này có nghĩa là để “ngỏ” cho quyết định tiếp tục việc chuyển nguồn vốn của năm 2021 - 2022. Vì vậy, Đoàn Giám sát cần có báo cáo rõ thêm về vấn đề này, chỉ kéo dài nguồn vốn của năm 2022 hay có cả nguồn vốn của năm 2021?

Đứng về mặt kỷ cương, kỷ luật ngân sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, năm nào phải xử lý dứt điểm năm đấy, nếu gối từ năm 2021 sang năm 2024, dù là khách quan hay chủ quan, thì chấp hành kỷ luật, kỷ cương về ngân sách không nghiêm. “Nếu từ năm 2021 đến giờ không giải ngân được thì nên hủy đi, bố trí, điều chỉnh lại”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Nhất trí về chủ trương cho phép kéo dài nguồn vốn năm 2022 chưa giải ngân hết năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia sang thực hiện trong năm 2024, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, nội dung này không nên đưa vào Nghị quyết giám sát chuyên đề, để tránh tạo tiền lệ, mà nên đưa vào Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, đánh giá kỹ tác động, làm rõ vì sao chậm giải ngân, nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về đâu, sau đó Quốc hội mới cho phép hoặc không cho phép kéo dài vốn năm 2021, năm 2022.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị, Chính phủ phải báo cáo năm 2021, nguồn vốn chưa giải ngân hiện còn bao nhiêu, nếu còn ít không ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các Chương trình thì cũng không cần thiết phải kéo dài nguồn vốn năm 2021.

Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang bày tỏ mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cảm thông, thấu hiểu với việc cho phép kéo dài nguồn vốn, bởi lẽ nếu không cho phép kéo dài nguồn vốn, áp lực giải ngân của Chính phủ có giảm đi, nhưng lại thiệt thòi cho các địa phương. Trong khi địa phương đang rất cần.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Chính phủ phải có báo cáo, tổng hợp diễn biến kinh phí kéo dài nguồn vốn từ năm 2021 sang năm 2022 cho các Chương trình mục tiêu quốc gia như thế nào; năm 2022 giải ngân nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia ra sao. Thực tế, năm 2022 đã bao gồm cả nguồn vốn của năm 2021, vì Quốc hội đã có Nghị quyết cho phép gộp ngân sách 2 năm (2021 - 2022) phân bổ một lần cho các Chương trình mục tiêu quốc gia. Cho nên cần giải thích rất rõ, tổng số tiền là bao nhiêu, đã giải quyết được bao nhiêu?

Trên cơ sở ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Hội đồng Dân tộc chủ trì, nhưng Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Pháp luật phải phối hợp thẩm tra nội dung này, theo tinh thần gỡ tối đa nhưng không được để xảy ra xung đột pháp luật.

Nguồn tin: daibieunhandan.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây