Mở rộng diện bao phủ BHXH, giữ vững ‘trụ đỡ’ hệ thống an sinh

Thứ hai - 09/08/2021 13:17
Trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài và phức tạp, BHXH Việt Nam xác định rõ các mục tiêu bảo đảm quyền lợi cho người lao động và doanh nghiệp, thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng diện bao phủ, giữ vững “trụ đỡ” của hệ thống an sinh xã hội.  

 


BHXH Việt Nam xác định rõ các mục tiêu bảo đảm quyền lợi cho người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp


Bảo đảm quyền lợi cho người tham gia

Tính đến hết tháng 7/2021, toàn quốc có khoảng 15,2 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, hơn 1,2 triệu người tham gia BHXH tự nguyện; khoảng 13,5 triệu người tham gia BH thất nghiệp (BHTN), chiếm 27,18% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 88,1 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 90,28% dân số.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, tỷ lệ người lao động thất nghiệp gia tăng, chính sách BHTN đã trở thành “điểm tựa”, giúp bảo đảm phần nào đời sống của một bộ phận người lao động thất nghiệp và gia đình, góp phần ổn định kinh tế, xã hội. BHXH các địa phương đã phối hợp với ngành LĐTB&XH giải quyết cho 86.990 người hưởng các chế độ BHTN, trong đó hơn 85.000 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 1.674 người hưởng chế độ học nghề. Ngoài ra, có khoảng 10,7 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB) nội và ngoại trú.

Với mục tiêu triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người lao động, người sử dụng lao động, các cơ sở KCB và người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, BHXH Việt Nam đã điều chỉnh mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) và gửi thông báo cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động với trên 11,2 triệu lao động; tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí, tử tuất cho 52 đơn vị với 3.937 lao động (31,65 tỷ đồng tại 13 tỉnh, thành phố); xác nhận danh sách cho 107.404 lao động của 8.518 đơn vị tại 44 tỉnh, thành phố tham gia BHXH bắt buộc, BHTN để hưởng các chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP.

Mặt khác, BHXH Việt Nam đã xin ý kiến thống nhất của Bộ Y tế về giải quyết một số vướng mắc trong giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT, chi phí thuốc BHYT liên quan đến đấu thầu, mua sắm thuốc tại các địa phương, cơ sở KCB BHYT.

Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã hướng dẫn BHXH các tỉnh thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 theo chế độ BHXH; tăng cường công tác giám định BHYT, kết hợp chặt chẽ giữa giám định trên hệ thống và trực tiếp tại cơ sở KCB để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT.

Vượt khó trong mở rộng diện bao phủ

Nhận định tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nên từ nay đến hết năm, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia, đồng thời đổi mới phương thức phục vụ, đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt.

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, các đơn vị trong toàn ngành cần phối hợp với cơ quan bưu điện vận dụng các biện pháp linh hoạt, sáng tạo ngay từ cơ sở; huy động sự tham gia của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn trong công tác phát triển người tham gia.

Ông Trần Đình Liệu cũng nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh có thể kéo dài và phức tạp, các đơn vị phải xác định rõ tâm lý đối diện với khó khăn một cách thường xuyên; nâng cao hơn nữa việc dự báo trước những biến động ở từng quý, từng năm, giai đoạn 3 năm…; xác định chi tiết các nhóm đối tượng tiềm năng để có kế hoạch và cách tiếp cận, cách làm hợp lý, hiệu quả.

Ông Trần Đình Liệu yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố triển khai truyền thông cho từng nhóm đối tượng với nội dung, hình thức truyền thông cụ thể, phù hợp với đặc điểm tâm lý, mức thu nhập của nhóm đối tượng để nâng cao nhận thức, vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đạt hiệu quả.

Theo BHXH Việt Nam, một số địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo để mở rộng diện bao phủ trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Trong đó, có BHXH huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã sáng tạo chuyển đổi mô hình truyền thông trực tiếp sang truyền thông trực tuyến và truyền thông nhóm nhỏ, từ đó đạt được những kết quả đột phá giữa đại dịch.

Theo đó, từ quý III/2020 đến nay, BHXH huyện Yên Thành áp dụng hiệu quả mô hình tổ chức hội nghị trực tuyến tới tất cả 39/39 điểm cầu là các xã, thị trấn trong toàn huyện với trung bình mỗi hội nghị thu hút trên 800 người tham gia.

Tính đến ngày 30/6, huyện Yên Thành đã có 16.383 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó có 1.999 người tham gia mới trong 6 tháng đầu năm, qua đó giúp BHXH huyện dẫn đầu toàn tỉnh về số người tham gia BHXH tự nguyện.

Giám đốc BHXH huyện Yên Thành Hoàng Thị Chín cho biết: “Trong giai đoạn dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, không thể tổ chức được hội nghị tuyên truyền quy mô lớn, đông người tham dự thì những hội nghị nhỏ, tập trung vào những nhóm người tiềm năng là một giải pháp hiệu quả mà BHXH huyện duy trì để tiếp cận người dân”.

Cùng vào cuộc với các địa phương, BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp với Bộ LĐTB&XH khảo sát việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đến các thành viên HTX tại Hà Nội, TPHCM và Quảng Nam. Đồng thời, đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định số 134/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện.

Theo đó, BHXH Việt Nam đề xuất tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại; phối hợp với Bộ Y tế xây dựng chỉ tiêu phát triển người tham gia BHYT giai đoạn 2021-2025; đề xuất Chính phủ tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình làm nông-lâm-ngư-diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 50%.

Nguồn tin: www.baochinhphu.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây